Quận Cầu Giấy, Hà Nội: 25 năm xây dựng và phát triển

Từ một quận xuất phát điểm về kinh tế còn thấp so với các quận nội thành cũ, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, trình độ dân trí, đội ngũ cán bộ không đồng đều đến nay trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, quận Cầu Giấy đã bứt phá trên mọi lĩnh vực.

Ngày 22-11-1996, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định số 74/CP thành lập quận Cầu Giấy (chính thức đi vào hoạt động ngày 1-9-1997) trên cơ sở 4 thị trấn và 3 xã tách ra từ huyện Từ Liêm. Tại thời điểm đó, so với quận Thanh Xuân – đơn vị “khai sinh” cùng một ngày nói riêng và các quận cũ của Hà Nội nói chung, quận Cầu Giấy có xuất phát điểm thấp. Cả quận có 8,29 vạn nhân khẩu, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, kinh tế còn nghèo nàn. Khi mới thành lập, cả quận chỉ có vài tuyến đường được trải nhựa, còn lại phần lớn là đường đất. Vượt qua những khó khăn ban đầu, sau 25 năm, Cầu Giấy đã vươn mình trở thành một trong những địa phương thuộc tốp đầu của thành phố trên nhiều lĩnh vực.

Trải qua 25 năm xây dựng và phát triển, với sự đoàn kết, thống nhất, năng động, sáng tạo của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân quận Cầu Giấy và với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố; sự giúp đỡ, phối hợp của các sở, ban, ngành thành phố, quận đã bứt phá trên mọi lĩnh vực, diện mạo đô thị Cầu Giấy phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp.

Một góc quận Cầu Giấy nhìn từ trên cao

Kinh tế quận phát triển vượt bậc theo cơ cấu dịch vụ – thương mại, công nghiệp – xây dựng với trên 19.700 doanh nghiệp và gần 9.550 hộ kinh doanh cá thể. Thu ngân sách quận đạt 9.480 tỷ đồng, gấp 270 lần so với năm đầu thành lập, là một trong những quận đứng đầu Thành phố về thu NSNN, đóng góp lớn vào cân đối ngân sách Thành phố.

Từ năm 2017, Cầu Giấy là quận đầu tiên của Thành phố không còn hộ nghèo, 100% người có công, gia đình chính sách, đối tượng xã hội được quan tâm chăm sóc dưới mọi hình thức…, quận đã vận động xã hội hóa được gần 20 tỷ đồng cho các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”.

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tuấn Anh – Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, ngay từ những năm đầu đi vào hoạt động, Cầu Giấy đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị, xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị theo phương châm đồng bộ, hiện đại hóa cảnh quan môi trường.

Năm 2002, Cầu Giấy là một trong những đơn vị đi đầu đề xuất và chủ động tổ chức tốt công tác đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo minh bạch, chống lạm dụng, lợi dụng, tham nhũng, tăng mức đóng góp ngân sách Thành phố.

Chính vì vậy, 25 năm qua, diện mạo đô thị Cầu Giấy phát triển mạnh mẽ theo hướng văn minh, hiện đại, xanh – sạch – đẹp. Công tác cải cách hành chính được coi trọng, trọng tâm là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT vào quản lý, điều hành, từng bước xây dựng chính quyền điện tử.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, trao đổi với phóng viên, Bí thư Quận ủy Trần Thị Phương Hoa khẳng định, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ đặt ra cho chặng đường phía trước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Cầu Giấy nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định và đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 8 nhóm giải pháp. Quá trình triển khai, quán triệt rõ mục tiêu phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…

Theo đó, Quận ủy Cầu Giấy sẽ phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, chủ động sáng tạo, thực hiện dân chủ, kỷ cương; đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng. Nghiêm túc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương 6 lần 2 (khóa VIII) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị quận ngày càng vững mạnh; thực hiện duy trì đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân trên địa bàn.

Về kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế theo cơ cấu dịch vụ – thương mại và công nghiệp – xây dựng. Tập trung huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các ngành dịch vụ theo chuỗi liên kết, chất lượng cao.

Lê Thịnh

Dẫn theo nguồn: https://tapchiketoankiemtoan.vn/quan-cau-giay-ha-noi-25-nam-xay-dung-va-phat-trien/

Trả lời