Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức diễn ra vào ngày 10/12, tại Hà Nội, một công nhân của ngành điện lực TPHCM vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đó là ông Trương Thái Sơn, công nhân Đội Quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn, Tổng công ty Điện lực TPHCM.
Trong buổi gặp gỡ trước khi ông Trương Thái Sơn lên đường ra Thủ đô dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực TPHCM cho biết, ông Sơn là công nhân lao động trực tiếp thứ hai của ngành điện lực Thành phố được phong tặng danh hiệu cao quý này trong suốt 35 năm qua. Với đồng nghiệp trong ngành điện lực Thành phố không còn xa lạ với ông Sơn – “sao sáng kiến” của ngành.
Năm nào cũng có sáng kiến
Nhìn thao tác nhanh nhẹn, chính xác của ông Sơn ngoài hiện trường, ít ai nghĩ người công nhân này đã bước qua tuổi 60 và chính thức nghỉ hưu theo chế độ từ tháng 4/2020. Nhưng chỉ ba tháng sau, ông Sơn trở lại làm việc theo đề nghị của Công ty Điện Chợ Lớn.
Trước đây, ông là công nhân Nhà máy điện Chợ Quán, đến năm 2001 thì chuyển về Công ty Điện lực Chợ Lớn. Trong vòng 20 năm, ông Sơn đã có 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ghi nhận và áp dụng vào thực tế, giúp tiết kiệm, làm lợi cho ngành điện hàng chục tỷ đồng và đặc biệt giúp cho công nhân trong ngành được an toàn, thuận lợi trong khi làm việc.
Hẹn gặp ông Sơn vào gần trưa ngày thứ Bảy, nhưng ông Sơn vẫn cùng một đồng nghiệp trẻ đi kiểm tra một tủ điện trung thế trên đường Thuận Kiều, quận 5. Ông xách ra một kìm ép thủy lực, tỉ mỉ hướng dẫn từng thao tác vận hành cho đồng nghiệp trẻ. Ông Sơn đã có hai sáng kiến cải tiến dụng cụ kìm ép. Đó là “Cải tiến, thay thế để sửa chữa kìm ép thủy lực 12 tấn dùng pin”, nhờ đó làm giảm chi phí mua sắm thiết bị 500 triệu đồng; “Cải tạo phục hồi các kìm ép tay thủy lực 12 tấn đã thanh lý để sử dụng lại” giúp tăng hiệu quả làm việc, tăng năng suất lao động làm lợi khoảng 150 triệu đồng. Để đưa ra phương án sửa chữa một dụng cụ chuyên ngành như vậy, ông Sơn tự tìm tòi tài liệu, nghiên cứu từng chi tiết của thiết bị, tính toán thời gian khấu hao, độ bền của vật liệu thay thế. Với phần bánh răng truyền động bằng nhựa nhanh hư hỏng, ông Sơn thay thế bằng bánh răng thép, khi đưa vào sử dụng thì độ bền tốt hơn, thực hiện thêm được hàng trăm mối nối dây cáp mỗi ngày.
Ông Trương Thái Sơn (bên phải) hướng dẫn sử dụng kìm ép cho đồng nghiệp trẻ. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
Những năm gần đây, do nhu cầu ngầm hóa lưới điện, khối lượng công việc của đội quản lý lưới điện ngày càng nhiều và phức tạp hơn. Để việc ngầm hóa lưới điện tại các thành phố mang lại hiệu quả, các thiết bị đang vận hành ở cấp điện áp 15 kV đều phải nâng lên 22 kV. Tuy nhiên, việc làm này có thể gây ra hiện tượng rò điện, phóng điện trên lưới. Sau một sự cố phóng điện xảy ra tại Trạm ngắt trung thế Nguyễn Hoàng, ông Sơn phát hiện một số thiết bị tại buồng máy cắt trung thế Hùng Vương – Nguyễn Hoàng 3 bị hư hỏng, không thể hoạt động. Ông đưa ra sáng kiến phục hồi 3 giàn thanh cái và các máy cắt trung thế, đảm bảo cho lưới điện vận hành an toàn, ổn định.
Cho đến nay, với 30 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ông Sơn đã làm lợi cho ngành điện Thành phố hàng chục tỷ đồng. Thế nhưng, điều khiến cho người thợ này cảm thấy tự hào là góp phần xây dựng môi trường làm việc an toàn cho anh em đồng nghiệp và giảm tối đa thời gian cắt điện trong quá trình sửa chữa.
Ông Sơn kể, trước đây chưa có máy phát điện nên mỗi lần kiểm tra, sửa chữa ở khu nào là phải cắt điện tạm thời khu đó. Ông luôn trăn trở làm sao tăng hiệu quả công việc với thời gian xử lý nhanh nhất để giảm thời gian cắt điện. “Mình thao tác chậm thì người dân phải chịu cắt điện kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của ngành điện”, ông Sơn nói.
Một trong những sáng kiến mà ông Sơn tâm đắc là kết nối máy biến thế thế hệ mới với hệ thống cáp điện ngầm cũ. Xuất phát từ thực tế các công trình nhà cao tầng, khách sạn thường sử dụng máy biến thế dầu (dùng dầu làm vật cách điện), nếu có sự cố thì rất nguy hiểm vì dầu là dung dịch gây cháy. Sau này chuyển sang máy biến thế khô nhưng thiết kế khác với máy cũ nên để kết nối được với hệ thống cáp điện ngầm cũ khá phức tạp, thậm chí phải đào hệ thống cáp ngầm cũ lên.
Ông Sơn suy nghĩ, thử nghiệm nhiều lần và đề xuất thiết kế bảng điện để đấu nối giữa máy biến thế khô với hệ thống cáp ngầm trung, hạ thế của các công trình, nên không cần phải đào xới, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Chưa hết, do máy biến thế nặng, không gian thi công chật hẹp, công nhân phải dùng sức để nâng máy vừa vất vả vừa nguy hiểm. Ông Sơn đã nghĩ ra cách dùng các khung sắt gắn vào tường rồi treo máy biến thế lên, rất thuận tiện cho việc đấu nối cáp và không tốn sức của công nhân.
Người thợ không ngừng học tập
Ông Trương Thái Sơn cho rằng mình là công nhân của thế hệ cũ, những gì được đào tạo đều đã lạc hậu, nếu không học, không câng cấp thì không theo kịp yêu cầu công việc.
Còn nhớ khi công tác tại nhà máy điện Chợ Lớn, ngày đi làm, đêm ông Sơn đăng ký học về điện công nghiệp, rồi sửa chữa tivi, đầu máy, học thiết kế cuốn dây… Sau này mỗi khi tiếp nhận thiết bị mới, ông Sơn lại mày mò tìm kiếm tài liệu hướng dẫn và học hỏi từ chính những người thợ trẻ hơn mình. Thế nhưng ở Công ty Điện lực Chợ Lớn, ông Sơn như một người thầy của những người thợ trẻ khi cầm tay chỉ việc cho họ khi thao tác ngoài hiện trường.
Nói về 30 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ghi nhận, ông Sơn cho hay các đề tài ở nhiều góc cạnh khác nhau. Có sáng kiến là công cụ hỗ trợ cho công việc, có sáng kiến nhằm bảo vệ anh em, nâng cao an toàn lao động. “Mình mê tìm tòi cũng nhờ lãnh đạo công ty rất khuyến khích. Mỗi lần mình đưa ra một đề xuất đều được lãnh đạo từ người đội trưởng đến giám đốc động viên, nhắc mình phát huy. Còn có anh em trong đội rất tin tưởng, khi mình nảy ra một sáng kiến thì cũng nói với anh em: Giờ tôi cho ý như thế này, thay thế cái này, đổi cái kia, anh em đều tin tưởng, sẵn sàng thử cái mới”, ông Sơn chia sẻ.
Sau 20 năm công tác, với 30 sáng kiến cải tiến trang thiết bị vật tư, phục vụ sản xuất kinh doanh cho đơn vị, ông Trương Thái Sơn mệnh danh là người có khả năng điều khiển các thiết bị chuyên ngành, biến chúng từ những thiết bị hư hỏng hoặc có nhiều hạn chế, gây khó khăn trong quá trình thi công trở thành các thiết bị phục vụ tốt nhất cho công tác của mình.
Nhiều năm công tác, gắn bó với ông Sơn, ông Phạm Thành Vinh, đội trưởng đội quản lý lưới điện, Công ty Điện lực Chợ Lớn rất ấn tượng trước tinh thần ham học hỏi của đồng nghiệp. Theo ông Vinh, những sáng kiến của ông Sơn trước hết là góp phần giảm nhẹ công việc cho anh em ngoài hiện trường. Ví dụ như sáng kiến mũi khoan dài. Ở các thành phố lớn như TPHCM, các tuyến đường được nâng cấp thường xuyên, vì thế hệ thống tiếp đất của điện lực cũng phải nâng cấp theo. Chỉ đơn giản là đóng cọc tiếp đất cũng phức tạp hơn vì qua nhiều lớp bê tông. Ông Sơn cải tiến một mũi khoan dài khoan sâu xuống lòng đất, giúp giảm được sức lao động cho công nhân. Chi phí sáng kiến thì rất thấp nhưng hiệu quả nhiều mặt, vừa giảm sức lao động cho công nhân vừa tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị.
Điện lực là ngành kỹ thuật đặc thù, thiết bị ngày càng tiên tiến, hiện đại, để vận hành được đòi hỏi công nhân phải liên tục học hỏi. Mặc dù là công nhân kỳ cựu nhất trong đội nhưng ông Trương Thái Sơn lại là người đi đầu, chịu khó tìm hiểu, làm chủ các công nghệ mới của ngành và truyền dạy lại cho các đồng nghiệp trẻ.
Theo Mạnh Hùng/baochinhphu.vn
dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Doi-song/Sao-sang-kien-cua-nganh-dien-TPHCM/416382.vgp