Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho hay, trong nhiệm kỳ này tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng.
Sáng ngày 12/01, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Báo cáo tại Phiên họp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các trường hợp oan sai giảm, việc bỏ lọt tội phạm từng bước được hạn chế (số người bị bắt, tạm giữ hình sự sau phải trả tự do, xử lý hành chính giảm dần; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, đúng tội danh vượt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; các trường hợp oan, sai giảm dần từng năm).
Liên quan đến việc thu hồi tài sản ở các vụ án tham nhũng, theo ông Trí, trước đây cả cơ quan điều tra, Việm kiểm sát cũng như cơ quan xét xử chỉ tuyên án mà không tính đến việc thu hồi. Đó là thói quen ở nhiệm kỳ trước, cứ tuyên án, còn thu hồi được hay không là việc của thi hành án (bước cuối cùng của tố tụng).
Sang tới nhiệm kỳ này, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng yêu cầu ngay từ đầu khi khởi tố vụ án, điều tra phải quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản. Vì vậy, ngay từ khâu điều tra cũng tích cực, ngành kiểm sát trong quá trình phối hợp với cơ quan điều tra cũng đã yêu cầu, rồi tới truy tố tiếp tục và đến toà cũng tiếp tục quan tâm vấn đề này.
Bên cạnh đó, nhiều thủ tục liên quan đến thu hồi tài sản được tháo gỡ, nên tỷ lệ thu hồi tài sản đã tăng từ 5 – 10% (nhiệm kỳ trước) lên khoảng 50% ở nhiệm kỳ này.
Để góp phần phòng ngừa, chống tham nhũng, Viện trưởng Viện Kiểm soát Nhân dân Tối cao đề nghị phải ban hành Luật Đăng ký tài sản.
Lý giải về điều này, Viện trưởng cho rằng, hiện kê khai tài sản chỉ ở trong hệ thống chính trị thôi, nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Bây giờ có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ đồng.
Ông Lê Minh Trí nhấn mạnh: “Chúng ta biết hết nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được. Nhưng nếu có luật này, khi anh đăng ký một tài sản mới, anh không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì anh bị “thăm hỏi” ngay và có cơ sở pháp lý để xử lý”. Với biên pháp này, theo Viện trưởng Lê Minh Trí, tài sản tham nhũng sẽ không còn chỗ nấp.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, các tòa án đã đưa ra xét xử nghiêm 7.463 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với 14.540 bị cáo.
Theo Vũ Nam/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-hoi-80-nghin-ty-dong-tu-cac-vu-an-tham-nhung-d18170.html