Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, thương mại điện tử đã thực sự trở thành xu hướng mua sắm, giao dịch của rất nhiều người, thì tình trạng lừa đảo qua mạng diễn ra cũng ngày càng nhiều với những thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Đã có không ít người dính bẫy nhưng thay vì báo cơ quan chức năng, nhiều người lại lựa chọn cái “tặc lưỡi” để bỏ qua.
Đánh vào tâm lý “ưa miễn phí”
Là người thường xuyên sử dụng mạng xã hội, thấy nick name “Gia truyền về khớp” có chương trình khuyến mãi tặng dùng thử không lợi nhuận, bà Nguyễn Thị Tình ở huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội liền gửi số điện thoại và địa chỉ để được nhận quà trải nghiệm.
Sau 3 ngày, bà nhận được gói quà bọc cẩn thận, đẹp mắt, ở ngoài bìa ghi “Chương trình tri ân khách hàng”. Đang bị chứng bệnh thấp khớp, nên dù bị thu 200.000 đồng cước phí, bà vẫn vui vẻ nhận hàng.
Cầm gói quà, bà Tình khấp khởi bóc định sẽ sử dụng luôn, nhưng khi mở ra ở bên trong chỉ thấy túi thuốc bột nhỏ. Phía ngoài túi thuốc không hề có bất kỳ thông tin gì về tên thuốc, thành phần thuốc cũng như nhà sản xuất.
Thấy nghi ngờ, bà liền vào lại nick name “Gia truyền về khớp” để hỏi thêm thông tin, thì nhận được hướng dẫn đặt hàng của chủ nick name: “Thuốc gia truyền nên đóng gói thủ công, chỉ cần uống và sử dụng theo hướng dẫn ở bao bì thuốc. Thuốc phải dùng đều đặn trong 3 tháng thuốc mới phát huy tác dụng. Đặt lần đầu tiên cho liệu trình 10 ngày có giá là 1.500.000 đồng, do được giảm giá nên chỉ còn 1.000.000 đồng. Đặt tiếp lần thứ 2, tiếp tục giảm còn 700.000 đồng”.
Đặc biệt, nếu bà Tình giới thiệu được khách dùng thử sẽ được giảm thêm 100.000 đồng. Nhận thấy đây không phải là địa chỉ tin cậy như những lời giới thiệu ở trên mạng, nên dù tiếc 200.000 ngàn đồng nhưng bà Tình vẫn quyết định bỏ gói thuốc đi không dám dùng.
Nhẹ dạ, cả tin vào những lời quảng cáo có cánh để nhận quà tặng như bà Tình không còn là hiếm mà là câu chuyện khá phổ biến hiện nay. Thậm chí, ngay cả những người trẻ, thông thạo mạng xã hội cũng bị lừa vì những lời tặng quà tri ân. Điển hình như chị Thái Nhung ở phường Định Công (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cũng nhận được cuộc gọi từ số thuê bao lạ. Người gọi tự xưng là nhân viên của một cửa hàng thời trang tại Hà Nội, nơi chị từng mua một chiếc áo khoác.
Nữ “nhân viên” này thông báo chị là một trong những khách hàng may mắn được nhận món quà tri ân là chai nước hoa hiệu Chanel trị giá 2.500.000 đồng. Để nhận được món quà giá trị này, chị Nhung chỉ cần trả 200.000 đồng và thêm 30.000 đồng phí vận chuyển. Tin lời đối tượng, chị Nhung đồng ý trả các khoản tiền trên để nhận quà. Tuy nhiên, khi mở gói quà, chỉ là một chai nước hoa nhái thương hiệu Chanel có giá vài chục nghìn đồng.
Có thể thấy, hình thức khuyến mãi, tặng quà là chiêu thức lừa đảo không mới, song lại có tác dụng đánh vào tâm lý tò mò và lòng tham của người tiêu dùng khi được nhận quà “miễn phí”. Ngoài ra, để tạo lòng tin, chúng thường “mượn danh” các thương hiệu lớn để khai thác thông tin khách hàng, lừa người tiêu dùng phải bỏ ra một khoản tiền để nhận quà dưới vỏ bọc “miễn phí vận chuyển” để nhận quà không có giá trị.
Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới
Liên quan đến vấn đề này, Ðiều 100, Luật Thương mại quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại, trong đó có hành vi “khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khỏe con người và lợi ích công cộng khác.
Hành vi vi phạm về khuyến mại được quy định tại Điều 48, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP. Tùy vào hành vi vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Mức tiền phạt có thể gấp hai lần trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên địa bàn từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật và biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc tiêu hủy hàng hóa, buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, vì lợi nhuận cá nhân mà nhiều đối tượng vẫn bất chấp các thủ đoạn để lừa người dùng mạng xã hội.
Luật sư Vũ Tuấn, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, hiện không ít doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động kinh doanh không thực hiện nghiêm túc quy định của luật pháp về trình tự, thủ tục thực hiện chương trình khuyến mại. Hoặc cố tình “lách luật” bằng nhiều hình thức như tặng phiếu mua hàng, phiếu trúng thưởng; hay gần đây là hình thức tặng quà kém chất lượng, hàng giả… Thủ đoạn không mới nhưng phát sinh nhiều nạn nhân mới.
Qua thực tế các vụ việc xảy ra, các ngành chức năng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các chiêu trò khuyến mãi, tặng quà tri ân. Khi nhận được các cuộc gọi thông báo trúng thưởng, người tiêu dùng cần hỏi rõ họ tên nhân viên, đơn vị cung cấp thông tin và kiểm tra chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp trên website chính thức, liên hệ trực tiếp với đơn vị trao thưởng để xác thực thông tin. Đặc biệt, không nhận quà tặng từ các tổ chức, cá nhân không có địa chỉ cụ thể. Nếu đồng ý nhận hàng, cần yêu cầu được xem hàng khi giao và kiên quyết trả lại nếu không đúng với hàng được tặng.
Ngoài ra, người dân cần chủ động bảo mật thông tin cá nhân, không tùy tiện cung cấp thông tin của mình trên các trang mạng xã hội, hết sức cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch điện tử. Đặc biệt, để góp phần ngăn chặn tình trạng này, người dân cần kịp thời báo cho các cơ quan chức năng sớm xử lý hành vi sai phạm, hạn chế thiệt hại cho nhiều người.
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-phap-luat/lua-dao-qua-tang-tren-mang-dung-tac-luoi-bo-qua-334949.html