7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội

Báo cáo của Chính phủ trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV sáng nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ 7 nhiệm vụ, giải pháp trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ từ nay đến hết năm 2019.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khoá XIV

Củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành phải kiên định mục tiêu củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng

Vì vậy, cần tập trung nâng cao chất lượng phân tích, dự báo; củng cố hệ thống thống kê, thông tin, báo cáo tình hình trong nước và quốc tế để phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Phát huy vai trò của tín dụng vi mô, xử lý triệt để nạn tín dụng đen. Giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, phấn đấu tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Tiếp tục siết chặt kỷ luật tài chính – NSNN; tăng cường quản lý thu, chi và từng bước cơ cấu lại NSNN. Mở rộng cơ sở thuế, tăng cường quản lý hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức; có chính sách ưu đãi thuế phù hợp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp. Chú trọng chống thất thu, chuyển giá, nợ đọng thuế. Đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử. Quản lý chặt chẽ các khoản chi NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Phát triển ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng tỷ lệ huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

Thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh

Theo đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là về tài chính, tín dụng, thương mại, đầu tư, công tác quy hoạch, sử dụng các nguồn lực đất đai, tài nguyên, lao động… Các ngành, các cấp có kế hoạch, giải pháp cụ thể tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại – coi đây là chìa khóa, là động lực để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển.

Tập trung chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất hơn trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ và tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ cao, phát triển đa dạng dịch vụ tín dụng, ngân hàng. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhất là đối với các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; xử lý nghiêm những sai phạm.

Kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử

Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và triển khai thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019; kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Thực hiện hiệu quả các chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Đổi mới cơ chế, chính sách và thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Tập trung chuyển giao, tiếp thu và làm chủ các công nghệ lõi, công nghệ nguồn. Đẩy mạnh phát triển thị trường, dịch vụ khoa học công nghệ; khuyến khích phát triển doanh nghiệp công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Xây dựng, triển khai Đề án phát triển Trung tâm khởi nghiệp quốc gia và Mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Sớm thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh đến việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bảo đảm chất lượng và đủ số lượng thuốc, vaccine; có biện pháp hiệu quả kiểm soát giá thuốc, thực hiện đúng quy định về đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm. Nâng cao năng lực y tế cơ sở, phát triển hệ thống y tế dự phòng. Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Dân số; kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; chú trọng nâng cao chất lượng dân số. Thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thực phẩm tươi sống. Chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Nâng cao nhận thức xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá.

Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu.

Để thực hiện tốt công tác này, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan về tài nguyên, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chấn chỉnh tình trạng sử dụng lãng phí đất đai, nhất là ở các đô thị, khu công nghiệp. Rà soát, chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa, bảo đảm hiệu quả, bền vững. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá, đấu thầu. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất ở các công ty nông, lâm nghiệp. Chú trọng phòng chống cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, sử dụng hóa chất độc hại; khôi phục hệ thống rừng phòng hộ, ngập mặn ven biển; quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản, đá, cát, sỏi…; tăng cường chế tài xử lý vi phạm. Điều phối, giám sát, giải quyết tốt các vấn đề quốc tế, liên vùng, liên ngành trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, thời gian tới cần đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm hiệu quả cơ chế kiểm soát quyền lực và trách nhiệm giải trình.

“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, bảo đảm công khai, minh bạch. Làm tốt công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương”, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Tập trung rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm hơn nữa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đẩy mạnh xây dựng đồng bộ Chính phủ điện tử và các cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu dân cư; thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và mô hình trung tâm hành chính công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tiếp nhận, xử lý nhanh và công khai kết quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia dẫn đầu ASEAN về Chính phủ điện tử.

Trấn áp tội phạm “xã hội đen”, tội phạm gây bức xúc dư luận xã hội

Tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế,

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia. Theo dõi sát tình hình khu vực và quốc tế, có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động, lợi dụng mạng xã hội chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

“Thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống tội phạm; kiên quyết trấn áp, triệt phá tội phạm ma túy, tội phạm hình sự nghiêm trọng, tội phạm có tổ chức hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các loại tội phạm gây bức xúc xã hội”, Phó Thủ tướng Thường trực nói

Làm tốt công tác phòng chống cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ. Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn, chống ùn tắc giao thông. Sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, nhất là sử dụng ma túy, rượu bia, vi phạm nồng độ cồn khi lái xe.

Chủ động đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể.

Vì vậy, cần triển khai nghiêm túc, hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc. Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin trung thực, khách quan, góp phần tạo đồng thuận, niềm tin xã hội. Thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn, tăng cường kỷ luật báo chí. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chủ động cung cấp thông tin, nhất là tình hình KTXH, các cơ chế, chính sách mới và các vấn đề dư luận quan tâm; kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền, kích động chống phá chế độ. Có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn thông tin xấu độc, phản cảm trên mạng internet, mạng xã hội.

Theo D.Bùi (T/h) / Tạp chí điện tử Tài chính

 

 

Trả lời