Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ quý II/2022

Tại Hội nghị Giao ban công tác quý I năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các công tác quản lý nhà nước để giải quyết những bức xúc trong dư luận xã hội về đất đai, ô nhiễm môi trường.

Chiều 14/4, tại Hà Nội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Giao ban công tác quý I năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự có đông đủ lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị trực thuộc Bộ.

Tại Hội nghị, đã nghe báo cáo những kết quả nổi bật trong quý I, đồng thời tập trung trao đổi, thảo luận, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong Quý II năm 2022 và trong thời gian tới.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị

Một số kết quả nổi bật của Ngành TN&MT trong quý I/2022

Trong 03 tháng đầu năm 2022, quán triệt tinh thần bắt tay ngay vào việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, kết quả cụ thể như sau:

Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, trong quý I/2022, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (1) Đề nghị xây dựng luật tài nguyên nước sửa đổi; (2) Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; (3) Dự thảo quyết định của Thủ tướng quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất trồng lúa theo các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội; (4) Quyết định ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật đã thống nhất đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật từ Kỳ họp thứ 3 sang Kỳ họp thứ 4 và Dự thảo Nghị định quy định chức chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đang hoàn thiện trình Chính phủ.

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ đã tiếp thu, giải trình để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định, 01 Quyết định, Bộ trưởng đã ban hành theo thẩm quyền 03 Thông tư. Hiện nay còn 05 dự thảo nghị định đã trình Chính phủ.

Triển khai Kế hoạch thanh tra và kiểm tra năm 2022, Bộ đã thực hiện 21 cuộc kiểm tra đối với 70 tổ chức, qua kiểm tra đã xử phạt 26 tổ chức với số tiền là 8,040 triệu đồng, tước quyền sử dụng 02 Giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian 05 tháng.

Trong 3 tháng đầu năm, Bộ đã tiếp 17 lượt công dân với 26 người (giảm 41 lượt so với cùng kỳ năm 2021) nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Tiếp nhận 685 lượt đơn khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, trong đó có 49,34% số lượng đơn thư đủ điều kiện xử lý (giảm 22,65% về số lượng và 12,81% vụ việc so với 2021). Tập trung giải quyết 19 vụ việc (từ năm 2021 chuyển sang khiếu nại Thủ tướng Chính phủ giao…

Hoàn thiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy của Bộ trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV; thực hiện nghiêm túc các quy định, quy trình về quản lý, sử dụng công chức, viên chức; Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tại Thông báo số 16/TB- BCĐĐMSXTCBM ngày 21/01/2022. Hoàn thiện Đề án kiện toàn tổ chức bên trong Bộ. Tiếp tục hoàn thiện các quy định về vị trí việc làm trong ngành TN&MT; rà soát, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, quy chế trong công tác cán bộ theo hướng tăng cường phân cấp đi đôi với nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; Thực hiện việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định…

Hợp tác quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, nghiên cứu khoa học và công nghệ tiếp tục được đổi mới, các hoạt động trao đổi đoàn đã được triển khai trở lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch Covid-19 tiếp tục đưa hợp tác, hội nhập quốc tế đi vào chiều sâu nhất là trong ngoại giao về khí hậu qua đó khẳng định vai trò quan trọng của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26. Chủ động nghiên cứu, dự báo các xu thế phát triển của thời đại, luật chơi mới của toàn cầu để đón các cơ hội hợp tác, tiếp cận các hỗ trợ kỹ thuật, khoa học, công nghệ, tri thức và các dòng vốn cho phát triển, chuyển dịch kinh tế – xã hội của đất nước, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hôi nghị

Trong quý I/2022, Bộ tập trung chỉ đạo việc triển khai thực hiện 101 đề tài cấp Bộ chuyển tiếp với tổng kinh phí phê duyệt phân bổ cho năm 2022 là 87.208 triệu đồng (trong đó có 83 đề tài sẽ kết thúc trong năm 2022). Mở mới và triển khai thực hiện 64 đề tài cấp Bộ, 15 đề tài cấp cơ sở và 02 dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, chống xuống cấp với tổng kinh phí 3.192 triệu đồng và kết thúc năm 2022.

Triển khai kế hoạch chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường, Bộ đã xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.1); Kiến trúc tổng thể Hệ thống thông tin quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia (phiên bản 1.0); Quy định kỹ thuật về thu thập, quản lý, công bố, cung cấp,chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin dữ liệu quan trắc tài nguyên môi trường; Kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch triển khai Cơ chế một cửa quốc gia giai đoạn 2022-2026 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Vận hành Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ (https://dichvucong.monre.gov.vn); kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Hệ thống thu thập, đánh giá việc sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến (Hệ thống EMC) của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cơ bản hoàn thành cung cấp 100% TTHC trên môi trường trực tuyến gồm 95 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ (bao gồm các DVCTT được Thủ tướng Chính phủ giao và do Bộ chủ động triển khai), trong đó có 72 DVC mức độ 4, đạt tỷ lệ ~ 75,8% (kết nối liên thông 01 DVC đến địa phương và 07 DVC với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn). Thực hiện tích hợp, cung cấp 33 TTHC (48 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong đó 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ ~ 39,6%), tiếp tục tích hợp thêm các DVCTT còn lại trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Trong quý I, tổng số hồ sơ TTHC trên môi trường điện tử đã tiếp nhận, xử lý theo hình thức DVCTT mức độ 3, 4 là 748 hồ sơ.

Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo tại Hội nghị.

Các nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2022 và các tháng tiếp theo

nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong Chương trình công tác năm, Chương trình hành động của Ngành các đơn vị tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật; Đẩy nhanh tiến độ, triển khai các Quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành; Tập trung triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kế hoạch kiểm tra đã được lãnh đạo Bộ chấp thuận; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý chặt chẽ thu, chi ngân sách; Ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành tài nguyên và môi trường (phiên bản 2.1), đưa ra kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật công nghệ thông tin ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021 – 2025.

Bên cạnh đó, đối với những lĩnh vực cụ thể, các đơn vị cũng đã xây dựng được kế hoạch thực hiện các công việc được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ giao phó. Đối với Tổng cục Quản lý đất đai thì ngoài việc hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, cần tập trung triển khai Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với lĩnh vực môi trường sẽ triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc biệt là chế tài xử lý vi phạm.

Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Lập Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Lập hồ sơ xây dựng Luật Khoáng sản (sửa đổi); Xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra công tác tính, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chấn chỉnh việc cấp phép các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường của địa phương.

Trong lĩnh vực biển và hải đảo sẽ triển khai các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng về kinh tế biển, ven biển và điện gió, điện sóng ngoài khơi. Xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác điều tra cơ bản và quản lý tổng hợp và thống nhất về biển, hải đảo phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Ngoài ra, thực hiện các hoạt động phối hợp với lực lượng chuyên ngành trong công tác quản lý tổng hợp nhà nước về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Đối với lĩnh vực khí tượng thuỷ văn sẽ tăng cường công tác dự báo cảnh báo về các hiện tượng thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương, các phương tiện thông tin đại chúng phục vụ công tác chỉ đạo phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhất là trong mùa mưa bão…

Ngoài ra, các đơn vị của Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao như hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 và Quyết định phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp đột phá triển khai thỏa thuận tại COP26 về biến đổi khí hậu; Xây dựng quy hoạch tài nguyên nước quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; triển khai Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long, sông Hồng – Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tổng thể về an ninh tài nguyên nước, đề xuất các giải pháp trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình; Ứng dụng công nghệ viễn thám giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất; xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam; giám sát rác thải nhựa ven biển…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà chỉ đạo tại Hội nghị

Tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận; Chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường là cấp thiết

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, với những khó khăn trong quá trình triển khai công việc, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải quyết liệt, thẳng thắn hơn nữa để chia sẻ những vướng mắc cũng như tham mưu những ý tưởng, giải pháp thực tế với Lãnh đạo Bộ để từ đó cùng tháo gỡ, đưa ra những chỉ đạo kịp thời, giải quyết được các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị phải đặt nhiệm vụ chuyển đổi số và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường là cấp thiết, do đó, bên cạnh xây dựng các hệ thống công nghệ thông tin thì tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để có đầy đủ cơ sở pháp lý cho xây dựng, tích hợp, vận hành, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên và môi trường thống nhất, tập trung, kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông giữa các ngành; đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, công việc, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin.

Với những nhiệm vụ giao cho các đơn vị, Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng các dự án hợp tác để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Phối hợp với các đơn vị trong Bộ như Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Biến đổi khí hậu xây dựng các bản đồ điện gió để vừa điều tra, đánh giá tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo để thu hút các dự án, các nhà đầu tư lớn quốc tế đến Việt Nam, góp phần vào thực hiện cam kết quốc gia tại COP26.

Đối với hai đơn vị Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Môi trường cần phải có những hành động nhanh chóng để giải quyết các vấn đề bức xúc trong dư luận về việc bong bóng giá đất, việc các quy hoạch sử dụng đất đai bị phá vỡ; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông, vấn đề ô nhiễm, xử lý rác thải, chất thải…

“Đây là những vấn đề khiến người dân, dư luận bức xúc. Các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ cầnphải đưa ra giải pháp; tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra để xử lý những tồn tại hiện nay, tạo được sự tin tưởng của Nhân dân. Thực hiện nghiêm chỉ đạo thanh tra đến đâu kết luận đến đó, chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và thực hiện việc giám sát thanh tra…” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Về vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ trưởng đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sớm triển khai phương án kiện toàn tổ chức, bộ máy, nhân sự bên trong Bộ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, giảm các tổ chức trung gian; đảm bảo triển khai các hoạt động thông suốt. Vụ Kế hoạch – Tài chính chuẩn bị phương án giao nhiệm vụ, dự án, dự toán cho các đơn vị sau sắp xếp phù hợp với chức năng nhiệm vụ để đảm bảo không ảnh hướng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ chính trị, giải ngân các nguồn vốn.

Khương Trung (Theo monre.gov.vn)

https://monre.gov.vn/Pages/bo-tai-nguyen-va-moi-truong-trien-khai-nhiem-vu-quy-ii2022.aspx

Trả lời