Thu hút vốn FDI: Ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư phù hợp

Các chuyên gia kinh tế khuyến nghị tăng cường thu hút FDI nhưng cần phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hàm lượng công nghệ, tăng cường thẩm định.

                                                               Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong năm tháng đầu năm 2019, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là điểm sáng của nền kinh tế.

Với tốc độ tăng vốn FDI nhanh cùng với vốn giải ngân cao đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu trong khối ASEAN được các nhà đầu tư lựa chọn.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị tăng cường thu hút FDI nhưng cần phải lựa chọn nhà đầu tư phù hợp với chiến lược là nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, hàm lượng công nghệ; tăng cường thẩm định, chọn lọc một cách kỹ càng…

Những con số tăng đột biến

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm tháng đầu năm nay, thu hút FDI đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng bốn năm trở lại đây.

Cụ thể, tính đến ngày 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Giải ngân vốn FDI ước đạt 7,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Nổi bật, trong tổng vốn FDI Việt Nam thu hút được, vốn FDI từ Trung Quốc là 2 tỷ USD, chiếm 12%, xếp thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ sau Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore.

Nếu tính riêng vốn đăng ký cấp mới, Trung Quốc tiếp tục là quốc gia dẫn đầu, với tổng vốn đăng ký cấp mới lên tới 1,56 tỷ USD, gấp 5,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng cục Thống kê cũng đã chỉ ra, từ cuối năm 2018 đến nay, dòng vốn đầu tư chuyển dịch từ Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) sang Việt Nam đã tăng đột biến.

Cụ thể, tổng vốn đầu tư đăng ký từ Hong Kong và Trung Quốc ước đạt 7,1 tỷ USD; trong đó, Hong Kong đăng ký đầu tư đạt 5,1 tỷ USD; Trung Quốc đạt 2 tỷ USD, chiếm tới 42,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký trong 5 tháng đầu năm 2019.

Nếu so với dòng vốn FDI từ Trung Quốc và Hong Kong trong cả năm 2017 cũng chỉ là 3,7 tỷ USD; cả năm 2018 là 5,8 tỷ USD cho thấy hiện tượng vốn FDI đăng ký của Hong Kong và Trung Quốc tăng đột biến trong năm tháng đầu năm 2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, nếu như 10 năm trước, đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, công nghệ lạc hậu, thì giờ đây, nhiều tập đoàn tầm cỡ của Trung Quốc ngày càng quan tâm đến Việt Nam.

Dẫn chứng cụ thể, trong năm tháng đầu năm nay, đã có hai dự án quy mô lớn được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký đầu tư vào Việt Nam là Dự án Chế tạo lốp xe radian toàn thép ACTR với tổng vốn đăng ký 280 triệu USD, đầu tư tại Tây Ninh và Dự án Lốp Advance Việt Nam của nhà đầu tư Guizhou Advance Type Investment Co.,Ltd, với tổng vốn đăng ký 214,4 triệu USD…

Bình luận về xu hướng đầu tư từ Trung Quốc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, hiện tượng này phản ánh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một trong các yếu tố tác động đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Mặt khác, do Việt Nam là thành viên và đã cam kết thực hiện các Hiệp định Thương mại tư do (FTA) cũng là một yếu tố thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nước và vùng lãnh thổ; trong đó, có Hong Kong và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam để hưởng lợi về chính sách thuế của các hiệp định này.

Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, cho rằng bên cạnh yếu tố từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tăng trưởng suy giảm cũng là một nguyên nhân khác khiến doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư sang Việt Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 6,6%, thấp nhất trong vòng 28 năm qua.

Phân tích thêm các nguyên nhân tạo ra kết quả ấn tượng trong thu hút FDI 5 tháng qua có thể thấy, vị trí địa lý ngay cạnh tuyến đường biển quốc tế của Việt Nam đang tiếp tục phát huy lợi thế trong mắt nhà đầu tư nước ngoài vì có thể vận chuyển hàng hóa trong khoảng cách gần hơn so với từ nhiều nơi khác.

Do đó, nhà đầu tư có thể tiết giảm mức chi trả cước vận tải biển. Việt Nam là cầu nối giữa các nước ASEAN với Trung Quốc – công xưởng thế giới nên có thể đảm nhận vai trò trung chuyển hàng hóa, bán thành phẩm, linh kiện cũng như hàng hóa thành phẩm hai chiều giữa hai địa chỉ này. Các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ tổng hợp, vận tải, bảo hiểm, xây dựng, du lịch…cũng vì thế mà “có cớ” xuất hiện nhiều hơn qua thời gian.

Hơn nữa, Việt Nam được hưởng lợi từ việc tham gia các FTA thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nên giới đầu tư quốc tế gia tăng đầu tư, tìm kiếm cơ hội đặt cơ sở sản xuất để làm hàng xuất khẩu với chi phí rẻ (gồm chi phí nhân công thấp, thuế suất thấp hoặc bằng 0%, chi phí vận tải hợp lý và các dịch vụ liên quan…).

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sự ổn định về môi trường chính trị-xã hội ở Việt Nam, ổn định về tỷ giá cũng là một yếu tố có giá trị và thuyết phục nhà đầu tư ngoại.

Bên cạnh đó, chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đã và đang tăng đều qua các năm, ngày càng thỏa mãn nhu cầu của nhà đầu tư theo tiêu chí minh bạch, thiết thực…

Lựa chọn nhà đầu tư phù hợp

Tuy nhiên, trong tăng trưởng thu hút FDI từ đầu năm đến nay, thì sự gia tăng nhanh chóng dòng vốn từ Trung Quốc là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Theo đó, có nhiều ý kiến quan ngại về sự dịch chuyển dòng vốn Trung Quốc sang Việt Nam khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang.

Tiến sỹ Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, với sự xuất hiện của các FTA, nhất là những FTA thế hệ mới thì Việt Nam cần có sự thay đổi cơ bản về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới.

Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, áp dụng những cơ chế, chính sách; đồng thời để nâng cao chất lượng hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam. Đó là tăng cường thẩm định, chọn lọc một cách kỹ càng; kiên quyết từ chối những dự án có mức tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng; chiếm dụng mặt bằng lớn, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Đặc biệt, cần phát huy tính tự chủ và vị thế chủ nhà để phát hiện, kiên quyết loại bỏ dự án có thể gây ô nhiễm, phá hoại môi trường.

Trung Quốc là nước xuất khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu vào Việt Nam. Do đó, không loại trừ họ đầu tư vào đây sản xuất để lấy xuất xứ từ Việt Nam, tận dụng những FTA Việt Nam cam kết để hưởng lợi thuế khi xuất ra nước ngoài, tránh lệnh áp thuế từ Mỹ,” ông Mại cho biết.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo xã hội quốc gia (NCIF) cũng cho rằng Việt Nam thu hút FDI phải có chọn lọc; đề phòng các nhà đầu tư đưa những công nghệ đã lỗi thời vào đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặt ra những hàng rào để ưu tiên công nghệ tốt trong thu hút FDI.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết thu hút vốn FDI của các địa phương cần theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, giá trị gia tăng cao và công nghệ hiện đại, tiên tiến. “Không để nhà đầu tư tìm đến Việt Nam với mục tiêu tận dụng thị trường lao động giá rẻ, chi phí dịch vụ tiện ích thấp, đặc biệt không để Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhằm phân tán rủi ro trong chiến tranh thương mại,” ông Lâm khẳng định.

“Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao,” Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Nguồn tapchitaichinh.vn

 

 

 

Trả lời