Giảm thời gian thông quan và chi phí cho doanh nghiệp

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, việc Tổng cục Hải quan ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp (DN) ưu tiên với các nước ASEAN được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các DN ưu tiên.

Hiện nay cả nước có 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh minh họa. Hiện nay cả nước có 74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên. Ảnh minh họa.

74 doanh nghiệp đang được áp dụng chế độ ưu tiên

Tổng cục Hải quan vừa ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình DN ưu tiên với hải quan các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, từ năm 2011, Việt Nam đã triển khai thí điểm Chương trình DN ưu tiên và đến năm 2014 triển khai chính thức thông qua việc đưa các quy định về Chương trình DN ưu tiên vào Luật Hải quan năm 2014. Hiện tại, Chương trình này áp dụng đối với các DN có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Sau 8 năm triển khai Chương trình DN ưu tiên ở Việt Nam, đến hết năm 2022, cả nước có 74 DN đang được áp dụng chế độ DN ưu tiên, trong đó có 23 DN Việt Nam, 15 DN Hàn Quốc, 15 DN Nhật Bản, số còn lại là các DN Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc), Italy, Đan Mạch…

Theo thống kê, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của 74 DN ưu tiên đạt 221 tỷ USD, chiếm xấp xỉ 30% tổng kim ngạch của cả nước. Các lĩnh vực hoạt động của DN ưu tiên khá đa dạng, từ lĩnh vực công nghiệp, gia công, chế biến; chế tạo đến nông nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.

Chia sẻ về những lợi ích từ việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình DN ưu tiên với các nước thành viên ASEAN, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ cho hay, các DN ưu tiên sẽ được hưởng nhiều lợi ích như: Giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa khi xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia ký kết thỏa thuận…

Trên thực tế, khi đánh giá và phân loại DN ưu tiên của các quốc gia ký kết, cơ quan hải quan các nước sẽ ghi nhận, phối hợp xử lý những khó khăn DN gặp phải để có biện pháp theo dõi, quản lý phù hợp.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, DN ưu tiên sẽ được hưởng lợi khi có hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác thuộc các quốc gia đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Để tận dụng lợi ích từ các thỏa thuận này, DN ưu tiên của Việt Nam có thể tìm kiếm các nhà cung cấp cũng như khách hàng tại các quốc gia có ký thỏa thuận với nước ta.

Thúc đẩy ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Để đạt được mục tiêu trên, việc sửa đổi quy định của pháp luật trong nước để đảm bảo các quy định về Chương trình DN ưu tiên của Việt Nam tương đồng với các quy định theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới là rất cần thiết. Điều này sẽ góp phần rút ngắn thời gian đàm phán với các nước.

“Việc triển khai thực hiện thí điểm thỏa thuận với các nước ASEAN sẽ tạo tiền đề để Tổng cục Hải quan tiến hành đàm phán ký kết với các nước khác”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh.

Định hướng việc triển khai các quy định về DN ưu tiên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về DN ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới về: Các điều kiện áp dụng, các chế độ được ưu tiên, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hải quan; Quyền hạn và nghĩa vụ của DN, công tác quản lý hải quan đối với các DN ưu tiên, xây dựng và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.

Đến nay, các nước trong khu vực ASEAN đã triển khai chính thức Chương trình DN ưu tiên với các cấp độ khác nhau tùy vào tình hình thực tiễn của từng quốc gia. Tuy nhiên, về cơ bản, các nước đều triển khai Chương trình dựa trên khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới về Khung tiêu chuẩn về an ninh, an toàn (SAFE).

Theo: Nguyễn Trung/Tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/giam-thoi-gian-thong-quan-va-chi-phi-cho-doanh-nghiep.html

Trả lời