Cắt giảm thuế xuất nhập khẩu theo CPTPP: Không là phao cứu sinh cho doanh nghiệp

Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi dự kiến được ban hành trong tháng 6/2019, với mức thuế cắt giảm sâu hơn mức thuế thông thường, sẽ tạo đòn bẩy sinh lời cho các doanh nghiệp. Song đây không phải là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP

Giảm thuế 300 mặt hàng

Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trước mắt là cho giai đoạn từ ngày 14/1/2019 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến, Nghị định được ban hành trong tháng 6.

Trong biểu thuế này, Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan cố gắng đưa ra so sánh thuế suất của các hiệp định thương mại tự do (FTA) với CPTPP để doanh nghiệp lựa chọn các mức thuế suất ưu đãi phù hợp.

Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi gồm 2 nhóm nước là những nước đã thực hiện CPTPP từ cuối năm 2018 (gồm Canada, Australia, New Zealand, Singapore) và nhóm nước thực hiện từ năm 2019. Theo đó, khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, cần đọc biểu thuế để nắm được lộ trình giảm thuế. Ví như hàng hoá nhập từ Australia thì lộ trình áp dụng là năm thứ hai, trong khi nhập từ Mexico, thì lộ trình là năm thứ nhất.

Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi dự kiến khoảng 300 mặt hàng có mức thuế cắt giảm sâu hơn mức thuế thông thường. Tuy nhiên, để được áp dụng thuế suất ưu đãi, doanh nghiệp phải có C/O ưu đãi. C/O trong CPTPP là chứng từ chứng nhận xuất xứ có thể được cấp cho nhiều lô hàng với điều kiện không quá 12 tháng và có thể cấp cho nhiều nhà nhập khẩu khác nhau.

Trước đó, Canada xóa bỏ ngay thuế quan đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt các sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Gạo và sản phẩm chứa gạo, cà phê, chè xanh, rau hoa quả… cũng được xóa bỏ phần lớn thuế quan ngay thời điểm bắt đầu triển khai cam kết.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), doanh nghiệp xuất khẩu dệt may và da giày đang tận dụng rất tốt quy tắc xuất xứ theo quy định của CPTPP khi xuất khẩu sang Canada. Còn tại thị trường Nhật Bản, đa số mặt hàng thủy sản có thế mạnh của Việt Nam, trong đó có tôm đông lạnh (HS 030617) và tôm chế biến (HS 160521) được hưởng thuế suất 0% ngay sau khi CPTPP có hiệu lực. Các mặt hàng như cá ngừ vây vàng, cá ngừ sọc dưa, cá kiếm, một số loài cá tuyết… cũng được hưởng thuế suất 0%.

Giảm thuế không phải là tất cả

Bộ Công thương cho rằng, giảm thuế nhập khẩu chỉ là một trong những ưu đãi cho hàng hoá của Việt Nam khi vào các thị trường, không phải là “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp. Việc hàng hoá có xuất khẩu được hay không còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn kỹ thuật của nước nhập khẩu cũng như các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC)   cho rằng, với những ưu đãi và cả những yêu cầu khắt khe, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đang chịu nhiều chi phối bởi CPTPP.

Trong 10 thành viên khối đối tác CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA với 7 nước, trong có 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối, lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Riêng trong quý I/2019, hàng Việt Nam xuất khẩu sang Canada đạt 864 triệu USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% tổng kim ngạch nhập khẩu toàn thế giới của mỗi nước. Với dung lượng thị trường lớn, cộng mức chênh lệch ưu đãi về thuế trước và sau khi có CPTPP khá lớn, Canada, Mexico sẽ là những thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, các ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như da giày, dệt may, thủy sản, đồ gỗ được dự báo có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, nếu tận dụng tốt ưu đãi.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam thường chỉ lưu tâm đến các vấn đề về thương mại như chất lượng, số lượng hàng hóa, thời gian giao – nhận…, mà bỏ quên các yếu tố về pháp lý như luật áp dụng, các điều khoản về giải quyết tranh chấp, dễ đưa doanh nghiệp đến “ngõ cụt” khi phát sinh mâu thuẫn. Để hạn chế tình trạng trên, ngay ở giai đoạn đàm phán, doanh nghiệp Việt cần chủ động thỏa thuận với đối tác về những thành phần này như một cách thức phòng ngừa tranh chấp có thể xảy ra.

Thương mại của Việt Nam với một số nước thành viên CPTPP tăng lên

Trong 4 – 5 tháng thực hiện CPTPP, thương mại của Việt Nam với một số nước là thành viên của CPTPP đã tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, thương mại của Việt Nam đối với Canada đã tăng trên 70%, với Mexico tăng trên 8%. Với Nhật Bản, Việt Nam đã có hiệp định trong khuôn khổ ASEAN, nhưng thương mại trong vòng 4 tháng qua cũng đã tăng 4%.

 

Trả lời