Thảo luận về đầu tư công và ngân sách nhà nước tại phiên họp của Quốc hội sáng ngày 2/11, các đai biểu đã “hiến kế” nhiều giải pháp để đẩy nhanh giải ngân, phát huy hiệu quả vốn đầu tư công như: hoàn thiện thể chế, chính sách; có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, hiệu quả; đặc biệt là thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp.
Hoàn thiện thể chế, gỡ khó cho đầu tư công
Tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ cùng các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024.
Trao đổi về giải ngân đầu tư công, đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, xác định giải ngân đầu tư công là công tác trọng tâm, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung vào giải ngân vốn đầu tư công, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện dự án.
Từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết chuyên đề, 3 chỉ thị và nhiều công điện, văn bản chỉ đạo về tập trung quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, tổ chức các hội nghị với các địa phương để đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công, thành lập các tổ công tác để thúc đẩy, kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến mạnh mẽ.
Tuy nhiên, đại biểu Âu Thị Mai chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công còn gặp khó khăn khi tình hình quốc tế, dịch bệnh cùng nhiều yếu tố tác động dẫn tới giá nhiên liệu, nguyên liệu tăng cao, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thống nhất, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, khiến các địa phương gặp lúng túng trong triển khai các dự án.
Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ hoặc trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đầu tư công và các luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Thí điểm tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập
Cũng trao đổi về nội dung này, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2023 có cải thiện so với các năm trước về số tuyệt đối, cao hơn so với năm trước nhưng chưa đạt như yêu cầu. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chấn chỉnh, có giải pháp tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công như trong báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Qua giám sát thực tế, đại biểu Triệu Quang Huy cũng nêu một số vướng mắc cụ thể, điển hình như công tác chuẩn bị đầu tư, giao kế hoạch đầu tư hàng năm còn chậm. Đặc biệt, “công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, hoàn thiện thủ tục đầu tư kéo dài, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công…”, Đại biểu chỉ rõ.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Thái Thị An Chung – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều vướng mắc. Do vậy, cùng với việc sửa đổi hệ thống pháp luật về đất đai, Đại biểu cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét, quyết định, thí điểm tách công tác bồi thường, bố trí tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện ở một số địa phương.
Đảm bảo đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả
Theo Đại biểu Lê Hữu Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua, công tác đầu tư công theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều dự án, công trình trọng điểm, quan trọng của Đất nước được triển khai và hoàn thành, mang lại hiệu quả tích cực. Đầu tư công ngày càng thể hiện rõ hơn vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn lực đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật về đầu tư công, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới phát sinh.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, trên tổng thể thì công tác đầu tư công vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện từ công tác xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu đầu tư, công tác chuẩn bị đầu tư, phân bổ nguồn lực giải phóng mặt bằng, triển khai thi công và giải ngân…
Chính vì vậy, Đại biểu cho rằng cần tổng kết, đánh giá, phân tích, xác định rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để có các giải pháp có hiệu quả hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, các công trình trọng điểm, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua đó phát huy vai trò của đầu tư công là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà tổng cầu của thế giới và trong nước sẽ giảm.
Đại biểu Lê Hữu Trí nhấn mạnh, vấn đề quan trọng là việc đầu tư phải đúng mục tiêu, từng công trình dự án phải phát huy hiệu quả và bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng áp lực giải ngân bằng mọi giá. Điều này càng có ý nghĩa khi mà nguồn lực có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật xã hội là rất lớn để Đất nước phát triển theo kịp với các nước trong khu vực. Đồng thời, cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm công tác đầu tư công đúng mục đích, đạt hiệu quả, ngăn chặn tình trạng lợi dụng đầu tư công để trục lợi, tham nhũng và gây lãng phí nguồn lực của Đất nước.
Theo: Trần Huyền/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tach-giai-phong-mat-bang-thanh-du-an-doc-lap-go-kho-giai-ngan-dau-tu-cong.html