Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của cả nước đạt hơn 389 nghìn tỷ đồng, bằng 55,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước giải ngân đến hết tháng 11 đạt gần 461 nghìn tỷ đồng, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn 6,77% và cao hơn 122,6 nghìn tỷ về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.
Ước giải ngân 11 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nêu cụ thể về tình hình giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 10 tháng năm 2023 của 41 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương đạt 102,3 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Uớc giải ngân 11 tháng năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đạt khoảng 125 nghìn tỷ đồng, bằng 44,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân chung của cả nước là 65,1%.
Đáng chú ý, có một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân trung bình 11 tháng cao hơn so với mức bình quân của các nước như: Văn phòng Quốc hội (đạt 83,61%), Bộ Công an (đạt 70,01%), Đài Tiếng nói Việt Nam (đạt 68,49%), Hưng Yên (đạt 68,60%), Quảng Ngãi (đạt 68,29%).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo công tác này.
Đồng thời, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông; 5 tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ; 26 đoàn công tác do Thành viên Chính phủ làm Trưởng đoàn làm việc với các địa phương để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn.
Các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp trên tinh thần tháo gỡ những “nút thắt”, “điểm nghẽn”, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách.
Sau những đợt đôn đốc, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã từng bước khắc phục được một số vướng mắc, hạn chế, qua đó kết quả giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu từ tháng 7/2023 đến nay đã có sự thay đổi tích cực, cao hơn cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc giải ngân vốn đầu tư công ở các bộ, ngành địa phương vẫn còn chậm do một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc về: Thể chế, chính sách; việc tổ chức triển khai thực hiện; Chương trình mục tiêu quốc gia…
Từ tồn tại, hạn chế trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, số vốn chưa giải ngân kế hoạch năm 2023 còn khá lớn (còn khoảng 247 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Thời gian từ nay đến cuối năm chỉ còn rất ít, do đó cần có sự quyết tâm rất cao, sự vào cuộc quyết liệt, triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành mới có thể đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo: Nguyễn Trung/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/giai-ngan-von-dau-tu-cong-den-het-thang-11-2023-uoc-dat-65-1-ke-hoach.html