Trong thời gian qua, tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến tích cực. Vốn đầu tư giải ngân đạt khoảng 83% kế hoạch, vốn sự nghiệp giải ngân đạt khoảng 36,3% kế hoạch được giao. Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, chủ động phân công, cho các sở, ngành, cấp cơ sở và cam kết giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2024.
Nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn do sụt giảm các nguồn thu.
Vốn đầu tư giải ngân đạt khoảng 83% kế hoạch
Thông báo số 93/TB-VPCP ngày 13/3/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương tại Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 trực tuyến với các địa phương nêu rõ: Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã rất quyết liệt, chủ động trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Cụ thể, Quốc hội đã ban hành 2 nghị quyết; Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành 1 nghị định, 6 thông tư, 4 văn bản hướng dẫn. Các địa phương đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của UBND các cấp, đặc biệt là Nghị quyết số 111/2024/QH15 về các cơ chế, chính sách đặc thù trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 18/01/2024 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Nhờ ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách trên, nên tiến độ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có chuyển biến tích cực. Theo đó, vốn đầu tư giải ngân đạt khoảng 83% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân đạt khoảng 36,3% kế hoạch được giao.
Một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, chủ động phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các sở, ngành, cấp cơ sở và cam kết giải ngân 100% số vốn được giao trong năm 2024.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Tỷ lệ giải ngân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế, áp lực giải ngân năm 2024 rất lớn; Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn tại một số địa phương có dấu hiệu xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư, duy tu, sửa chữa do hạn chế về nguồn vốn; Nguồn vốn đối ứng của ngân sách địa phương để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn khó khăn do sụt giảm các nguồn thu.
Ngoài các hạn chế trên, năng lực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ ở một số địa bàn, cơ quan, đơn vị còn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; công tác phối hợp, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm giữa các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương chưa thực sự hiệu quả…
Quyết tâm giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trên, cũng như quyết tâm phấn đấu giải ngân 100% vốn kế hoạch được giao trong năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan Trung ương và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn, quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong phạm vi, lĩnh vực quản lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc (nếu có) để được hướng dẫn, xử lý.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, trả lời các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các địa phương liên quan đến việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 18/01/2024 của Quốc hội khóa XV bảo đảm chi tiết, cụ thể, rõ ràng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, chế độ báo cáo trực tuyến trên Hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành việc thiết lập Hệ thống giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia trong tháng 4/2024.
Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Hệ thống quản lý từng chương trình mục tiêu quốc gia và hoàn thành thiết lập liên thông dữ liệu với Hệ thống của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quý II/2024. Đồng thời, rà soát, tổng hợp, đề xuất giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc giao, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ của từng chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2021 – 2025 và hằng năm.
Ngoài các nội dung trên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc khẩn trương phối hợp với các cơ quan, địa phương để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới các đối tượng thụ hưởng của các chương trình mục tiêu quốc gia…
Theo: Nguyễn Trung
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tien-do-giai-ngan-von-thuc-hien-cac-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-co-chuyen-bien-tich-cuc.html