Qua 20 năm (2002-2022) triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2022/NĐ-CP của Chính phủ, NHCSXH đã phát huy vai trò là công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Chính phủ nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu “Dân giàu – nước mạnh – dân chủ – công bằng – văn minh”.
Từ 3 chương trình tín dụng ban đầu, đến nay NHCSXH đã có hơn 20 chương trình tín dụng được thiết kế thành hệ thống chính sách đồng bộ, hỗ trợ đa chiều, giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu trong cuộc sống của người nghèo, đối tượng chính sách khác; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong cả nước và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được phủ sóng tới 100% số xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hầu hết, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách xã hội, đặc biệt có hộ vay vốn từ 2 đến 3 chương trình tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo bền vững. Hiện nay có trên 1,5 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 56.000 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dư nợ. Dư nợ bình quân một hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt 39,3 triệu đồng, trong khi bình quân chung toàn quốc là 35 triệu đồng.
Vốn cho vay hộ nghèo dân tộc thiểu số những năm qua chủ yếu đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi trâu, bò, xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kinh phí học tập, đào tạo nghề… đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng triệu lượt hộ, giúp cho hộ nghèo, đặc biệt là hộ dân tại huyện nghèo, vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hộ đồng bào dân tộc thiểu số từng bước quen dần với cơ chế thị trường. Hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn đã mạnh dạn vay vốn để sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Tín dụng chính sách do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện còn là một trong những biện pháp quan trọng giảm tình trạng tín dụng “đen” ở vùng dân tộc thiểu số. Các chương trình cho vay đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh chính trị tại các địa phương. Đặc biệt, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La với sự đồng hành của NH CSXH huyện, 20 năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo. Với tôn chỉ hoạt động không vì lợi nhuận, NH CSXH huyện Mộc Châu Tập trung huy động nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Mộc Châu là huyện miền núi, cao nguyên và biên giới, nằm ở hướng Đông Nam của tỉnh Sơn La, địa bàn trải rộng, địa hình phức tạp, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của huyện còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn gồm 2 thị trấn và 13 xã (có 2 xã vùng II và 3 xã vùng III). Huyện Mộc Châu có 193 bản, tiểu khu, với 44 bản đặc biệt khó khăn (chiếm 22,8%). Toàn huyện có 29.547 hộ, trong đó số hộ nghèo năm 2022 là 1.472 hộ (chiếm 4,98%), hộ cận nghèo năm 2022 là 950 hộ (chiếm 3,22%). Dân số là 119.445 người, chiếm 15% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số 99 người/km2. Về cơ cấu thành phần dân tộc ở Mộc Châu có 10 dân tộc trong đó chủ yếu là Kinh chiếm 29,4%, Thái 33,2%, Mường 15,8%, Hmông 14,6%, Dao 6,2%, Sinh Mun 0,4%, Khơ Mú 0,3%… và một số dân tộc ít người khác. Những năm gần đây, kinh tế của huyện đã có bước phát triển song chưa thực sự bền vững, sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ yếu, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều lao động. Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp khó khăn, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo và chưa có việc làm ổn định còn nhiều, đòi hỏi phải có các giải pháp phù hợp để công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế tái nghèo.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu thăm mô hình của hộ vay vốn
Với chức năng, nhiệm vụ đã được giao, trong suốt 20 năm qua NHCSXH huyện Mộc Châu đã nỗ lực vượt khó để đồng hành cùng với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện vượt qua những khó khăn, trở ngại về nguồn vốn để đầu tư phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện
NHCSXH đã xây dựng kênh dẫn vốn và phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng theo mô hình đặc thù, phù hợp với hệ thống chính trị, bộ máy quản lý nhà nước và điều kiện kinh tế – xã hội nước ta. Điểm nổi trội trong phương thức quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách đó là: (1) Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị – xã hội; (2) xây dựng mạng lưới Điểm giao dịch xã tại 100% các xã, thị trấn; (3) xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 100% các thôn (xóm) trên địa bàn toàn huyện.
Tính Đến 30/6/2022, tổng nguồn vốn quản lý và huy động đạt 390.838 triệu đồng, tăng 368.954 triệu đồng, gấp 16,86 lần so với năm 2003, tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm là hơn 16%. Nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng cao qua các năm, đặc biệt, từ sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển 8.509 triệu đồng ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Năm 2003, NHCSXH huyện Mộc Châu nhận bàn giao dư nợ 3 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo, cho vay quỹ quốc gia về việc làm, cho vay dự án 747 từ Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện với tổng dư nợ 21.884 triệu đồng, với 782 khách hàng vay vốn, nợ quá hạn 1.755 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 8%). Sau 20 năm hoạt động, NHCSXH huyện thực hiện cho vay tổng số 16 chương trình tín dụng (tăng thêm 13 chương trình mới); tốc độ dư nợ tăng trưởng bình quân mỗi năm đạt 16%; giải ngân được 1.349.376 triệu đồng cho 44.924 lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; thu nợ 823.500 triệu đồng. Tính đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ đạt 386.418 triệu đồng, với 8.300 hộ đang vay vốn (dư nợ bình quân 46,56 trđ/hộ), tăng 364.534 triệu đồng (gấp 16,65 lần) so với năm 2003.
Các chương trình tín dụng tập trung theo mục đích sử dụng vốn chủ yếu:
+ Tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm…với dư nợ đạt: 318.861 triệu đồng, chiếm 82,52% tổng dư nợ.
Trong đó, riêng cho vay hộ nghèo giai đoạn 2003-2022 đạt 545.337 triệu đồng/18.472 lượt khách hàng (mức cho vay bình quân được nâng từ 3,4 triệu đồng năm 2003 lên 66,8 triệu đồng năm 2022. Vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo đã đến được 100% bản, tiểu khu trong huyện, đáp ứng được cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo; nguồn vốn chủ yếu đầu tư cho hộ nghèo phát triển trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ,…góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách làm ăn của hộ nghèo
Chương trình cho vay hộ cận nghèo: doanh số cho vay đạt 146.038 triệu đồng /3.372 lượt hộ vay (mức cho vay bình quân được nâng từ 20 triệu năm 2013 lên 75 triệu năm 2022. Đây là chương trình tín dụng bắt đầu triển khai thực hiện cho vay từ năm 2013 theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc bổ sung thêm chương trình hộ cận nghèo đã bù đắp và giải quyết nhu cầu vốn cho một lượng lớn hộ nghèo vừa mới thoát khỏi ngưỡng nghèo, giúp các hộ yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo được thực hiện theo Quyết định số 28/QĐ-TTg ngày 21/07/2015 nhằm hỗ trợ vốn sản xuất cho những hộ đã thoát nghèo, cận nghèo có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh đảm bảo thoát nghèo bền vững. Doanh số cho vay 123.603 triệu đồng/2.200 lượt hộ (mức cho vay bình quân được nâng từ 40,64 triệu năm 2015 lên 72,79 triệu năm 2022…
+ Tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt, đảm bảo an sinh xã hội bao gồm: cho vay học sinh sinh viên, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay nhà ở xã hội…với dư nợ đạt: 67.557 triệu đồng, chiếm 17,48% tổng dư nợ.
Đánh giá kết quả thực hiện các chương trình tín dụng trong việc góp phần thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ông Nguyễn Thế Cần – GĐ Chi nhánh NHCSXH huyện Mộc Châu cho biết: “Qua 20 năm thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/NĐ-CP thông qua NHCSXH đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên cải thiện cuộc sống, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng trong xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được tập trung đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn toàn huyện, trong đó ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giáo dục đào tạo, chú trọng đầu tư vốn đối vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần ổn định chính trị, an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn và trật tự xã hội tại địa phương. Nguồn vốn của NHCSXH đã góp phần giúp cho 5.454 lượt hộ thoát nghèo theo từng giai đoạn điều tra, giúp hộ nghèo xây dựng được 1.227 ngôi nhà để ổn định đời sống, xây dựng được 14.446 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã có 38 lao động là con hộ nghèo, hộ chính sách được đi xuất khẩu lao động để cải thiện thu nhập, hàng chục ngàn hộ gia đình nhờ vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo, trên 2.521 lao động trong huyện được tạo việc làm từ các dự án giải quyết việc làm. Chương trình tín dụng học sinh sinh viên đã đầu tư vốn cho 1.051 học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học và còn rất nhiều hộ gia đình tuy chưa thoát khỏi khó khăn về kinh tế song nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có cơ hội làm chủ cuộc sống của mình, thay đổi tập quán làm ăn, thay đổi ý thức trách nhiệm với cộng đồng”
Điều quan trọng là đồng vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp địa bàn, giúp đỡ các hộ nghèo và các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn có vốn để chủ động phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao cuộc sống. Đơn cử như gia đình bà Hà Thị Lăn ở bản Sò Lườn, xã Mường Sang, trước kia thu nhập của gia đình bà chỉ trông chờ vào vài trăm mét ruộng, chi tiêu trong gia đình “thiếu trước hụt sau”. Năm 2015, được Hội Phụ nữ xã giới thiệu, gia đình bà đã vay vốn tín dụng của NH CSXH để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, từ nguồn vốn này, ông bà đã đầu tư xây chuồng trại, mượn đất bỏ hoang để trồng thêm cỏ phụ trợ cho việc nuôi bò, mỗi năm gia đình xuất bán được 3 con bê giống, đời sống đã được cải thiện hơn so với trước kia. Hay gia đình ông Nguyễn Đức Đắc ở bản 19/8, xã Mường Sang, là một trong những hộ tiêu biểu thoát nghèo, vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện. Tiền vốn vay được ông Đắc sử dụng cải tạo 8000m2 vườn tạp, trồng 400 cây cam V2 và cây nhãn ghép mang lại thu nhập thu nhập trên 500 triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn quả…
Chặng đường 20 năm sát cánh cùng bà con vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, tín dụng chính sách xã hội vẫn đang thực hiện đúng mục tiêu đồng hành cùng người dân thoát nghèo – “để không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Tác giả: Trần Thị Long – Trường Chính trị tỉnh Sơn La
Đặc san phát triển Kinh tế – Xã hội số 21