Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội; tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Thủ tướng giao lãnh đạo các địa phương tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 130/CĐ-TTg ngày 10/12/2024 về đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở xã hội
Công điện nêu rõ: Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, góp phần giải quyết cơ bản nhu cầu nhà ở cho người dân, ngày 24/5/2024, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW nhằm giao nhiệm vụ cụ thể đối với các bộ, ngành và địa phương.
Để đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương lập kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 927/QĐ-TTg ngày 30/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận nhà ở xã hội. Thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Hội đồng nhân dân cùng cấp ban hành văn bản quy định một số nội dung đã được giao tại Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Đồng thời, rà soát các văn bản để sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Những công việc này phải hoàn thành trong năm 2024.
Về quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng yêu cầu rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, bao gồm nhà lưu trú công nhân và nhà ở lực lượng vũ trang nhân dân.
Thực hiện nghiêm quy định về việc dành quỹ đất làm nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.
Lãnh đạo các địa phương tập trung triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”; hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội được giao trong năm 2024; Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm và hàng năm.
Chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội. Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai minh bạch.
Đối với các quỹ đất nhà ở xã hội chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương lập quy hoạch; thẩm định báo cáo tiền khả thi; cập nhật dự án vào chương trình kế hoạch của địa phương…, để hoàn thành thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư triển khai dự án.
Thúc đẩy giải ngân tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội
Về nguồn vốn ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng giao lãnh đạo các địa phương tiếp tục xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư đủ điều kiện được vay nguồn vốn 120.000 tỷ đồng.
Các địa phương thực hiện công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay theo chương trình và gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Xây dựng để theo dõi, tổng hợp; cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Xây dựng, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các luật này.
Bộ Xây dựng đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội khu vực đô thị, nhà ở công nhân theo quy định pháp luật; thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở, khu đô thị và bảo đảm nhu cầu phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội.
Ngoài các nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt thúc đẩy giải ngân Chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Theo: Minh Hà/Tạp chí tài chính
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/kip-thoi-thao-go-vuong-mac-thuc-day-trien-khai-cac-du-an-nha-o-xa-hoi.html