Bộ Công Thương cho biết, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI; tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
11 tháng năm 2024, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI. Ảnh: internet
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,85 tỷ USD, giảm 4,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,88 tỷ USD, giảm 5,7%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11 tăng 8,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 6,1%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á (trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 12,7%, của Hàn Quốc tăng 9,6%, của Thái Lan chỉ tăng 4,9%, của Indonesia chỉ tăng 1,33%).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%. Điều đó cho thấy, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng cao hơn khu vực FDI (20% so với 12,4%) và tỷ trọng về kim ngạch xuất khẩu của khu vực này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28% so với 26,8%) tiếp tục cho thấy những tín hiệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu của khu vực này.
Trong 11 tháng năm 2024, có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%).
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong nhóm này, do hưởng lợi bởi giá tăng cao nên kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng tăng cao ở mức hai chữ số so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu tăng 46,2%; cà phê tăng 35,4%; gạo tăng 22,3%; chè các loại tăng 26,9%; rau quả tăng 27,4%; gạo tăng 22,3%; nhân điều tăng 20,6%; cao su tăng 17,8%.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến cũng phục hồi mạnh trong 11 tháng năm 2024, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, sơ bộ đạt 313,6 tỷ USD, chiếm gần 85% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng cao ở mức hai con số như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 65,2 tỷ USD, tăng 26,3%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 50,2 tỷ USD, tăng 3,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 47,8 tỷ USD, tăng 21,6%… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 3,7 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước.
11 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta đều có sự phục hồi tích cực và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 98,4 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 55,1 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước; thị trường EU ước đạt 47,3 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 23,3 tỷ USD, tăng 8,7%; Nhật Bản ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 4,8%.
Để hỗ trợ xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng. Đồng thời, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Cơ quan này cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm củng cố thể chế về phòng vệ thương mại hướng tới bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Cùng với đó, tiếp tục nâng cao việc sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước và hỗ trợ hiệu quả các ngành xuất khẩu của Việt Nam ứng phó hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Theo: Trần Huyền/Tạp chí Tài chính
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/tin-hieu-tich-cuc-trong-xuat-khau-cua-khu-vuc-kinh-te-trong-nuoc.html