“Tất cả các điều kiện mà các đồng chí đề nghị, chúng tôi giải quyết hết 100%”, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy, để đất nước có thêm nhiều tuyến đường hiện đại thay cho những con đường cũ, rất cần tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, thay vì những lối mòn và sự ỳ ạch trong cách tư duy, xử lý công việc.
Một ngày sau khi tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng được thông xe kỹ thuật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến tỉnh Lạng Sơn và các nhà đầu tư trao nhận các giấy tờ, biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 105.000 tỷ đồng.
Vui mừng chứng kiến dòng vốn mới đầu tư vào Lạng Sơn trong hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 30/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc tới tuyến cao tốc này như một thay đổi lớn của địa phương, một lợi thế đầu tư, tạo điều kiện quan trọng để tỉnh biên giới này phát triển.
Trước đó, ngày 29/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ thông xe cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng. Dự án nối liền 02 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn (trong tương lai gần sẽ hoàn thành đoạn đến TP. Lạng Sơn dài 30 km), kết nối toàn tuyến cao tốc từ Hà Nội đến Lạng Sơn, góp phần quan trọng trong việc dần hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc – Nam.
Trên thực tế, quá trình triển khai đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đã từng gặp phải nhiều khó khăn ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành. Trước những khó khăn đó, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã có các chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy triển khai dự án, trong đó có việc thay đổi chủ đầu tư, giao UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Và đến nay, sau chưa đầy 2 năm khởi động lại, dự án đã có thể thông xe kỹ thuật.
Tất nhiên, có nhiều lý do để các nhà đầu tư chú ý tới Lạng Sơn, nhưng chắc chắn ý định “đón đầu” tuyến cao tốc này là một trong những động lực quan trọng với họ. Nhìn rộng hơn, hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có đường bộ, luôn luôn có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển. Đảng, Nhà nước đã xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba khâu đột phá chiến lược.
Thực hiện quy hoạch phát triển đường bộ cao tốc Việt Nam, những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã tập trung huy động các nguồn lực, phát triển đường bộ cao tốc và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Việt Nam, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.
Chỉ tính riêng trong thời gian gần đây, Chính phủ, Thủ tướng đã liên tục có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể với các dự án hạ tầng giao thông. Gần đây nhất, ngày 27/9, tại tỉnh Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thị sát hiện trường và có cuộc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, với một trong những nội dung trọng tâm là việc triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, dự án có ý nghĩa quan trọng với vùng này.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh thi công với quyết tâm cao để đến 31/12/2020 thông xe toàn tuyến cao tốc này và đến 30/4/2021, khánh thành, bảo đảm chất lượng, tránh tình trạng “làm trước hỏng sau”. Còn cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án Mỹ Thuận – Cần Thơ khởi công vào tháng 3/2020.
Đặc biệt, trước buổi làm việc, ngay tại công trường, Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan các văn bản về việc đồng ý bố trí hơn 3.100 tỷ đồng cho 2 Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Cụ thể là 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Trước đó, ngày 26/9, Người đứng đầu Chính phủ cũng đã tới dự, phát lệnh khởi công xây dựng dự án tuyến cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án đầu tiên trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Tại Hội nghị toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công, ngày 26/9, giao thông vận tải cũng là một trong những lĩnh vực được quan tâm nhất. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, một ngành có số vốn đầu tư công lớn, được Thủ tướng yêu cầu trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.
“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ khuyến khích, động viên tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, vượt khó của các địa phương, như đề xuất của 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng dành ngân sách của địa phương hỗ trợ cho các dự án xây dựng tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện các công trình, dự án trọng điểm của ngành, đạt kết quả quan trọng góp phần cải thiện bộ mặt hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
“Tuy nhiên, nhìn chung các công trình giao thông đang chậm tiến độ, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia. Điều này đã ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; chậm giải ngân vốn đầu tư công có nguy cơ phải điều chuyển vốn, ảnh hưởng đến uy tín của ngành giao thông vận tải”, Phó Thủ tướng nêu rõ trong văn bản đôn đốc mới đây.
Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các thành viên tập trung tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã và đang triển khai, đặc biệt là Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Trong số các dự án ngành giao thông, thì các tuyến đường cao tốc quốc gia có vai trò quan trọng trong việc kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp vào phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Đặc biệt, giúp giảm chi phí, nhất là chi phí lao động, sản phẩm, tạo điều kiện cho cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dự kiến hết năm 2021, chúng ta sẽ có thêm 900 km cao tốc được xây dựng và trong giai đoạn 2021-2025, chúng ta phấn đấu có ít nhất 2.000 km cao tốc để đến năm 2025, cả nước có ít nhất 4.000 km cao tốc kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Rõ ràng, trong bối cảnh còn không ít khó khăn cả về nguồn vốn cũng như những vướng mắc về cơ chế, chính sách hay giải phóng mặt bằng…, việc hoàn thành mục tiêu trên đòi hỏi phải triển khai thực hiện một khối lượng rất lớn các công việc. Về phía Chính phủ, tinh thần chỉ đạo đã rất rõ ràng, như phát biểu của Thủ tướng khi thị sát tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, “tất cả các điều kiện mà các đồng chí đề nghị, chúng tôi giải quyết hết 100%”. Các cấp, các ngành, các địa phương cần phát huy hơn nữa tinh thần, trách nhiệm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo trong xử lý công việc để xử lý các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Hay dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Hà Chính/baochinhphu.vn