Khẳng định thị trường lao động hoạt động theo nguyên tắc thoả thuận, Chủ tịch VCCI khẳng định, cần phải tôn trọng quyền có việc làm của người lao động và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, tư duy làm Luật phải đảm bảo tôn trọng quyền có việc làm và làm thêm của người lao động. Đồng thời, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động.
Tại Hội nghị Người sử dụng lao động quốc gia năm 2019 đóng góp ý kiến cho Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) do VCCI tổ chức ngày 14/10, ông Lộc nhấn mạnh rằng, ngay tại các nước phát triển như Singapre chỉ quy định trần giờ làm thêm theo tháng, Hàn Quốc cũng chỉ quy định theo tuần thôi… Như vậy, những quy định này ở Việt Nam không khác gì “khoá chân” doanh nghiệp.
Những lĩnh vực như thuỷ sản, chế biến nông sản có tính mùa vụ không thể để nông sản, thuỷ sản “chờ” thời gian làm việc bình thường để làm, bắt buộc phải chế biến ngay. Trong khi đó, thực tiễn doanh nghiệp đều trưng biển tuyển lao động nhưng không được.
Khẳng định không phải là quan điểm riêng của VCCI hay doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI cho rằng mọi nền kinh tế thì quyền và lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động là thống nhất với nhau.
“Cần phải tôn trọng quyền có việc làm của người lao động và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng sự thoả thuận tự nguyện của lao động và người sử dụng lao động trong thị trường lao động”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Đặc biệt, ông Lộc cho biết, 80% doanh nghiệp không tuyển được lao động có trình độ cao từ quản lý trở lên, do đó, sửa đổi Luật phải căn cứ theo cơ cấu kinh tế, cơ cấu doanh nghiệp, phải phù hợp với tình hình hiện tại. Người lao động cũng muốn tăng giờ làm thêm và sẵn sàng làm thêm. Nhưng nếu áp quy định tại Dự luật như hiện nay, thì với thực tế này, doanh nghiệp Việt sẽ đối mặt vi phạm quy định.
“Chúng ta không thể “nhảy cóc” lên nền sản xuất công nghệ cao. Do đó, sửa đổi Luật Lao động phải lắng nghe hơi thở nền kinh tế, phải đứng trên đôi chân ở trên mặt đất, không thể trên trời, không thể là kỳ vọng”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Cộng đồng doanh nghiệp quan ngại với những văn bản được đưa ra trước đó khi đứng quá nhiều về phía người lao động. “Nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm đi. Tiền lương giảm đi thì người lao động vẫn buộc phải làm thêm những công việc khác, đó là nhu cầu chính đáng và họ vẫn có sức khoẻ, có thời gian”. Đặc biệt lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp đang làm việc rất say mê, không quản ngày đêm.
“Do đó, giờ làm thêm với quy định mức trần bó buộc như hiện nay gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp, cần cân nhắc, doanh nghiệp kiến nghị tăng thêm 100 giờ làm thêm/năm so với quy định hiện nay”, TS Vũ Tiến Lộc nói.