Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2019 với nhiều điểm mới, sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế cho Bộ luật Lao động 2012 hiện hành.
Tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ
So với Bộ luật Lao động 2012 hiện nay, Bộ luật Lao động mới đã quy định tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 nêu rõ, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam; đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng với lao động nam; 04 tháng với lao động nữ.
Riêng người bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể nghỉ hưu trước không quá 05 tuổi.
Người lao động được nghỉ thêm 1 ngày dịp Quốc khánh
Bộ luật Lao động năm 2019 còn bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm vào ngày liền kề với ngày Quốc khánh, có thể là 01/9 hoặc 03/9 Dương lịch tùy theo từng năm. Trong đó, người lao động được nghỉ làm việc và hưởng nguyên lương.
Như vậy, tổng số ngày nghỉ lễ, tết hàng năm sẽ nâng lên 11 ngày, trong đó: Tết Dương lịch: 01 ngày; Tết Âm lịch: 05 ngày; Ngày Chiến thắng (30/4 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc tế lao động (01/5 Dương lịch): 01 ngày; Ngày Quốc khánh: 02 ngày; Ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch): 01 ngày.
Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng
Bộ luật Lao động 2019 cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do, chỉ cần đảm bảo yêu cầu về thời gian báo trước là 30 ngày với hợp đồng xác định thời hạn và 45 ngày với hợp đồng không xác định thời hạn.
Đồng thời, người lao động cũng được quyền yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của mình khi chấm dứt hợp đồng lao động; các chi phí của việc cung cấp do người sử dụng lao động chi trả…
Được ủy quyền cho người khác nhận lương
So với Bộ luật Lao động 2012, Bộ luật mới bổ sung quy định: Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Quy định này được đánh giá là hợp lý, đặc biệt trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương…
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào tiền lương của doanh nghiệp
Bộ luật Lao động 2019 quy định, doanh nghiệp được chủ động trong việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động trên cơ sở thương lượng, thoả thuận với người lao động.
Tiền lương trả cho người lao động là số tiền để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương theo công việc hoặc chức danh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Tiền lương được thực hiện trên cơ sở thương lượng, thoả thuận giữa các bên; bổ sung quy định trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận.
Phải có bảng kê chi tiết khi trả lương cho người lao động
Theo Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Đặc biệt, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…
Theo T. Huyền (t/h)/tapchitaichinh.vn
Nguồn: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/bo-luat-lao-dong-nam-2019-co-gi-moi-316515.html