Mua tiền trôi nổi, coi chừng bị “rút ruột”

Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, “mùa” đổi tiền mới, tiển lẻ lại bắt đầu vào vụ. Dù cơ quan chức năng cố gắng tuyên truyền, giải thích và có hành động mạnh tay như không in hay phát hành thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, thì “phong trào” đổi tiền vẫn không vì thế mà giảm đi, thậm chí sau mỗi năm, nhiều “kênh” đổi tiền mới lại ra đời.

Đổi tiền lẻ online phát triển rầm rộ trong mấy năm gầy đây. Nguồn: internet

Rầm rộ đổi tiền online

Dạo qua 1 vòng thị trường tài chính, câu chuyện đổi tiền mới, tiền nhỏ lẻ mới tại các điểm như đến chùa, hay các “ổ” đổi tiền tại phố sách Đinh Lễ, dọc đường Nguyễn Trãi, Hà Đông (Hà Nội), dường như đã trở nên lạc hậu. Một phần vì chủ trương cấm đổi tiền của các cơ quan chức năng, một phần vì kênh đổi tiền online đang phát triển mạnh mẽ. Chỉ cần seach google, dịch vụ đổi tiền mới được quảng cáo công khai và rầm rộ trên hàng chục website cung cấp dịch vụ đổi tiền chuyên nghiệp có tên miền na ná nhau như doitienmoi.vn, doitienlegiare.vn, doitien.org, dichvudoitien.com, muabantien.com, doitienle.com.vn hay shoptien.vn…

Ngay trên mạng xã hội Facebook, hàng chục tài khoản và các nhóm chuyên đổi tiền cũng công khai quảng cáo dịch vụ đổi tiền mới. Nhiều nhóm đổi tiền có số lượng thành viên từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn người như “Đổi Tiền Mới”, “Đổi Tiền Lẻ Giá Rẻ”, “Đổi Tiền Lì Xì Mới 2020”, “Dịch Vụ Đổi Tiền Lẻ” và có số lượng thành viên lên tới 11.900 người là nhóm “Đổi Tiền Mới Lì Xì”. Liên hệ với tài khoản facebook có tên Lan Rùa, chúng tôi được chào mời đổi tiền mới hầu đồng loại 2.000 đồng và 5.000 đồng với mức phí 9%, tức 1 thếp 200.000 đồng sẽ mất 18 nghìn tiền phí, thếp 500.000 đồng sẽ mất 45 nghìn tiền phí.

Ngoài ra, chủ tài khoản Facebook này cũng không quên “chú thích” thêm rằng tiền được giao dịch còn nguyên đai nguyên kiện, theo seri và đủ số lượng. Điều này có vẻ giúp trấn an những khách hàng đang đặt nghi vấn khi đổi tiền lẻ bị một số đối tượng ăn bớt số lượng tờ trong cọc tiền. Thông thường, với tiền nhỏ mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng hay 5.000 đồng trở xuống, hầu như khi đổi tiền, rất ít người kiểm đếm và người đổi tiền thường có xu hướng chậc lưỡi đặt niềm tin vào đối tác giao dịch.

Cũng có mức phí tương tự, tại web doitienmoionline, mức phí đổi tiền mới các mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng cũng từ 8%-10%, nếu đổi vài chục triệu trở lên sẽ giảm 1%-2%. Riêng với đồng 2 USD theo quan niệm là đồng tiền may mắn, tại website 2USDSHOP.COM đăng tải thông tin liên hệ là Trần Huy Chương, số điện thoại 090303… Theo website này, 100 tờ 2 USD còn niêm phong có giá 5,2 triệu đồng (tức 52.000 đồng đổi 1 tờ 2 USD). “Đặc biệt năm nay, chúng tôi có bán tờ 2 USD seri 4 số cuối theo năm sinh, giá 180.000 đồng/tờ” – Chương thông báo.

Mua bán tiền là phạm pháp

Bắt đầu từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức không in và phát hành thêm tiền mới nhỏ lẻ vào mỗi dịp Tết Nguyên đán. Chủ trương này đã được duy trì 7 năm nay, và giúp ngân sách tiệt kiệm hàng nghìn tỷ đồng. Để đảm bảo nguồn cung tiền cho nền kinh tế, cơ quan điều hành sẽ chủ động cung tiền mệnh giá nhỏ (dưới 10.000 đồng), gồm cả tiền cũ và tiền mới vào các thời điểm trong năm, trước Tết nguyên đán.

Tết Canh Tý 2020, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết sẽ tiếp tục không in tiền lẻ mới (các mệnh giá từ 100 đồng đến 5.000 đồng). Ông Tú cũng nhấn mạnh điều này sẽ còn duy trì trong thời gian tới, và tuy không phát hành thêm tiền lẻ mệnh giá thấp nhưng đại diện NHNN khẳng định về mệnh giá tiền và nhu cầu cho thanh toán, hệ thống ngân hàng đều đảm bảo đầy đủ cho các nhu cầu và mục đích thanh toán đối với tất cả các tổ chức cá nhân trong nền kinh tế.

Riêng về “phong trào” đổi tiền mới của người dân dịp Tết, chuyên gia tài chính- TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định mua bán tiền là hành động phạm pháp. Cụ thể điểm a khoản 5, Điều 30, Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng quy định sẽ phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật. Mức phạt này áp dụng cho các cá nhân vi phạm; tổ chức vi phạm bị phạt gấp 2 lần.

“Tiền do NHNN phát hành là phương tiện thanh toán, không phải hàng hóa để giao dịch. Vì vậy, việc mua bán tiền là vi phạm pháp luật. Nếu “dính” tiền giả, hay bị gian dối bằng cách rút ruột, rút lõi, người “mua tiền” cũng không thể kiện cáo ai được. Trong trường hợp, hai bên giao dịch cố tình mua bán tiền giả, hoặc 1 bên biết rõ tiền giả cố tình giao dịch để lừa dối bên còn lại, nếu phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Hiếu nói.

Khuyến cáo dành cho người đổi tiền, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng, còn mua bán trôi nổi sẽ dễ bị dính tiền giả, tiền thiếu. Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị NHNN nên dừng phát hành, thậm chí nên dừng lưu thông những đồng tiền có mệnh giá 200, 500 đồng vì nó gần như không mang lại hiệu quả trong thanh toán, mà hầu như chỉ dùng để đi lễ đền chùa.

“Điều này vừa gây lãng phí, vừa tạo nếp xấu mang màu sắc mê tín dị đoan trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tín ngưỡng để người dân hiểu, đi chùa nếu có lòng thì bỏ tiền vào hòm công đức, vì nếu chỉ vài trăm đồng tiền lẻ rải ở đền, chùa, vào tay tượng, phật mà xin được phước lộc thì không thể”, ông Hiếu nói.

Dẫn theo Nguồn link gốc: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/mua-tien-troi-noi-coi-chung-bi-rut-ruot-317841.html

Trả lời