Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nửa đầu năm 2020 đã tăng 4,19%, vượt mục tiêu đặt ra cho cả năm nay, đòi hỏi những giải pháp mạnh hơn để kiểm soát chặt trong nửa cuối năm.
Thảo luận về chỉ số CPI 6 tháng cuối năm, tại hội thảo “Diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2020” diễn ra mới đây, các chuyên gia cho rằng, 6 tháng cuối năm 2020, thị trường, giá cả ở Việt Nam có 2 nhân tố chính làm tăng CPI như giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới sẽ tăng trở lại khi dịch Covid-19 trên thế giới dần dần được khống chế và các hoạt động sản xuất, thương mại, giao lưu quốc tế được khôi phục.
Giá thịt lợn sẽ ảnh hưởng lớn đến CPI cả năm 2020 (Ảnh minh họa) |
Tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng và bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, 3 yếu tố sẽ kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2020 gồm tình hình dịch bệnh Covid-19, chiến tranh thương mại, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa thể hồi phục được ngay và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó tăng như kỳ vọng.
Đồng thời, cung-cầu thịt lợn ở Việt Nam những tháng cuối năm 2020 sẽ bớt căng thẳng, giá thịt lợn sẽ dần hạ nhiệt, không cao như cuối năm 2019 do các doanh nghiệp đang tích cực tái đàn và nhiều nơi đạt kết quả tốt.
Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, với việc lạm phát so với cùng kỳ năm trước hiện chỉ ở mức 3,17%, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2020 sẽ đạt được nếu CPI trong các tháng còn lại của năm tăng trung bình dưới 0,6%/tháng.
Điều này là khả thi, bởi áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm sẽ không quá lớn. Nguyên nhân, kinh tế thế giới chưa thể phục hồi hoàn toàn trong nửa cuối năm 2020, nên giá dầu sẽ khó tăng mạnh. Nhiều khả năng giá dầu (WTI) sẽ xoay quanh mức 40 USD/thùng trong thời gian tới, nếu dịch bệnh Covid-19 được các nước khống chế thành công. Thứ hai, giá thịt lợn, cho dù có thể không giảm mạnh như mong đợi, nhưng cũng sẽ khó tăng mạnh trong thời gian tới, khi Chính phủ cho phép nhập khẩu thịt lợn hơi, lợn giống, đồng thời người nông dân đẩy mạnh tái đàn.
Nhằm mục tiêu đưa CPI tăng trưởng trong tầm kiểm soát, PGS.,TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác quản lí giá, bình ổn giá cần tiếp tục tăng cường nhằm kiểm soát lạm phát, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của chỉ số CPI để có sự điều chỉnh kịp thời.
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 2/7, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn kiến nghị Chính phủ quan tâm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, điều hành giá cả thị trường với những mặt hàng thiết yếu để giữ ổn định mặt bằng giá. Đặc biệt là kiểm soát chặt hơn mặt hàng thịt lợn – mặt hàng có tác động lớn đến đời sống người dân.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), các giải pháp đồng bộ đang được triển khai sẽ giúp mức tăng CPI sẽ ở trong khoảng 3,5-3,9% năm 2020. Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Cục Quản lý giá cũng cho rằng cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có các giải pháp kịp thời bình ổn thị trường.
Dẫn theo link gốc: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kiem-soat-chat-thi-truong-gia-ca-dam-bao-dat-chi-tieu-cpi-325164.html