Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), tính đến 11h ngày 10/8, đã có tổng cộng 14,9 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone. Tỉ lệ người sử dụng Bluezone trên tổng dân số cả nước hiện chiếm khoảng trên 14%.
Đã có tổng cộng 14,9 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone để truy vết người nghi nhiễm COVID-19. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Ở thời điểm hiện tại, Đà Nẵng đang là địa phương dẫn đầu cả nước về tỉ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone, với khoảng gần 370.000 người, chiếm 32,51% dân số. Đây cũng là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh Đà Nẵng, còn có nhiều tỉnh, thành phố có tỉ lệ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone cao như Hà Nội (21,04%), Quảng Ninh (20,08%) và TPHCM (19.52%)… Những địa phương còn lại đều có tỉ lệ người dân cài đặt ứng dụng Bluezone chiếm khoảng 15% tổng dân số của địa phương.
Hiện, có 9 tỉnh có tỉ lệ người dân tải ứng dụng Bluezone chiếm không quá 5% tổng dân số trên địa bàn như Sóc Trăng (4,94%), Tiền Giang (4,91%), Bến Tre (4,85%), Đồng Tháp (4,63%), Bạc Liêu (4,44%), Điện Biên (4,21%), Sơn La (4,11%), Trà Vinh (4,03%), Hà Giang (3,48%).
Để bảo vệ cộng đồng trước đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị người dân cài đặt ứng dụng Bluezone phát hiện tiếp xúc gần với các ca nghi nhiễm COVID-19. Đây hiện là phương thức hiệu quả và ít tốn kém nhất nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, việc sử dụng các ứng dụng giúp xác định tiếp xúc gần để phòng tránh COVID-19 như Bluezone chỉ có hiệu quả khi khoảng 60% dân số trưởng thành cài đặt ứng dụng. Do vậy, Bộ TT&TT đặt mục tiêu sẽ có khoảng 50 triệu người sử dụng ứng dụng Bluezone.
Tác dụng của ứng dụng Bluezone là lưu lại lịch sử tiếp xúc giữa những người dùng ứng dụng này với nhau. Với sóng Bluetooth được bật sẵn, trong trường hợp 2 người dùng ứng dụng Bluezone có tiếp xúc gần (khoảng cách dưới 2 mét) trong thời gian đủ lâu, thiết bị của họ sẽ bắt sóng Bluetooth và ghi lại mã ID trên thiết bị của người từng tiếp xúc.
Khi phát hiện ra ca nhiễm bệnh mới (hoặc người nghi nhiễm F1), cơ quan y tế sẽ hỏi họ có sử dụng ứng dụng Bluezone không. Nếu có, mã ID ứng dụng Bluezone trên thiết bị của người này sẽ được đưa lên hệ thống.
Hệ thống sau đó sẽ gửi mã ID này tới thiết bị của tất cả những người sử dụng Bluezone. Ứng dụng sẽ so sánh mã ID này với lịch sử tiếp xúc trên thiết bị xem có trùng hay không. Nếu trùng nhau, người sử dụng Bluezone sẽ nhận được cảnh báo đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Đồng thời, ứng dụng sẽ hiện thông tin về cơ sở y tế để người dùng có thể nhận được sự hỗ trợ.
Bằng cách làm này, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ có danh sách những người có khả năng bị lây nhiễm. Cơ chế hoạt động của Bluezone giúp tìm ra chính xác các ca F1 từ F0, F2 từ F1. Quy trình này cứ thế lặp lại cho đến khi việc lây nhiễm được kiểm soát.
Nhờ được cảnh báo kịp thời về khả năng có thể bị lây nhiễm, người dùng Bluezone sẽ chủ động được việc liên hệ với cơ sở y tế nơi gần nhất, đồng thời tự giữ khoảng cách để đảm bảo sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.
Gần đây, theo phản ánh của một số người dùng di động, họ gặp phải tình trạng nhầm lẫn giữa Bluezone với Bluzone – một ứng dụng khác hẳn về tính năng nhưng có tên tương tự. Bluzone là ứng dụng cung cấp khả năng cấu hình và giám sát từ xa, không liên quan tới việc truy vết người nhiễm COVID-19 và đây cũng không phải là phiên bản nhái của ứng dụng Bluezone.
Vì vậy, để tự bảo vệ mình và cộng đồng, người dùng cần tải về chính xác ứng dụng có tên Bluezone – Phát hiện tiếp xúc.
Theo Hiền Minh/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Da-co-149-trieu-luot-tai-ung-dung-Bluezone/403827.vgp