Cuộc giải cứu đã diễn ra sau khi các nỗ lực hỗ trợ tài chính công khi thất bại trong việc giúp công ty cắt giảm sự phụ thuộc vào Apple, công ty thời gian qua đã bán không được tốt các sản phẩm iPhone khiến Japan Display lao đao.
Thỏa thuận mới này giúp cho những người mua lại số cổ phiếu của quỹ INCJ, một quỹ đầu tư do Chính phủ Nhật đứng đằng sau, trở thành các cổ đông chính của công ty sản xuất màn hình, với 49,8% cổ phần và điều này cũng chấm dứt các nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Nhật Bản trong việc ngăn chặn các nhà sản xuất màn hình cuối cùng của nước này rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài.
Nhóm bên mua, bao gồm nhà sản xuất màn hình phẳng Đài Loan TPK Holding, tập đoàn đầu tư Trung Quốc Harvest Group, sẽ bơm 80 tỷ yên để mua lại cổ phiếu và trái phiếu của Japan Display.
INCJ cũng tham gia việc cứu trợ bằng cách hoán đổi khoản nợ tương đương 75 tỷ yên sang cổ phiếu của công ty này và tiếp tục gia hạn một khoản nợ lớn khác lên tới 77 tỷ yên cho công ty.
Sau thỏa thuận này, số cổ phần của INCJ tại Japan Display giảm từ mức 25,3% xuống còn 12,7%. Tuy nhiên, thỏa thuận này khả năng vẫn có thể bị xem xét lại nếu bị coi là ảnh hưởng tới an ninh quốc gia của Hoa Kỳ trong bối cảnh Washington đang xiết chặt lại các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Japan Display có một công ty con nằm ở San Jose, đồng nghĩa là doanh nghiệp này chịu sự chi phối của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS) liên quan tới thỏa thuận đầu tư nói trên.
Màn hình có thể không nhất thiết phải là công nghệ quan trọng bị kiểm soát khi xuất khẩu, nhưng một số công nghệ của Japan Display như cảm biến vân tay có thể gây lo ngại về an ninh quốc gia, theo bà Nancy Fischer và Matthew Rabinowitz, đối tác và cộng sự cấp cao, của công ty luật Pillsbury có trụ sở tại Mỹ.
Minoru Kikuoka, Trưởng bộ phận tài chính của Nhật Bản Display, nói với các phóng viên trong một cuộc họp ngắn rằng các cố vấn pháp lý của công ty cho biết thỏa thuận này không cần thiết phải nộp đơn tới CFIUS để xem xét. Tuy nhiên, CFIUS vẫn giữ quyền tài phán vô thời hạn để yêu cầu nộp đơn và xem xét lại giao dịch này, kể cả sau khi giao dịch đã hoàn tất.
Sự khởi đầu mới
Gói cứu trợ xuất hiện khi doanh số của các mẫu iPhone mới – mà phần nhiều trong số đó sử dụng màn hình loại mới dựa trên cơ chế phát sáng hữu cơ (OLED) – đã khiến nhà máy mới của Japan Display chuyên làm màn hình tinh thể lỏng (LCD) hoạt động chỉ ở mức một nửa công suất.
Japan Display dự kiến sẽ lỗ năm thứ năm liên tiếp trong năm tài chính kết thúc vào tháng này, vì doanh số đáng thất vọng của dòng điện thoại iPhone XR của Apple, model duy nhất sử dụng màn hình LCD.
Hoạt động kinh doanh của Apple chiếm hơn một nửa doanh thu của Japan Display trong bốn năm qua.
Ông Kikuoka nói tại cuộc họp, dù không nêu tên Apple, rằng Japan Display vẫn còn nợ khách hàng khoảng 100 tỷ yên.
Gã khổng lồ công nghệ Hoa Kỳ đã chi trả phần lớn chi phí xây dựng lên tới 1,5 tỷ USD cho nhà máy sản xuất màn hình LCD mới cách đây ba năm.
Chúng tôi đã thảo luận với khách hàng của mình, bao gồm cả vấn đề trả nợ, trước khi chúng tôi đạt được thỏa thuận cứu trợ này, ông Kikuoka nói.
Theo thỏa thuận mới nhất, Japan Display và Harvest Tech, một phần của nhóm mua lại, đang lên kế hoạch cùng nhau sản xuất tấm nền OLED, được sử dụng trong các mẫu iPhone mới nhất hiện nay, Japan Display cho biết.
Reuters cho biết vào đầu tháng này rằng Japan Display sẽ bắt đầu cung cấp màn hình OLED cho Apple Watch vào cuối năm nay.
Japan Display được thành lập vào năm 2012 bằng cách gộp các doanh nghiệp sản xuất màn hình LCD của Hitachi Ltd, Toshiba Corp và Sony Corp trong một thỏa thuận được Chính phủ Nhật đề xuất.
Japan Display này được niêm yết công khai vào tháng 3 năm 2014 và có giá trị lên tới hơn 400 tỷ yên sau đó. Tuy nhiên, giá trị của công ty hiện nay chỉ còn khoản 67 tỷ yên.
Theo tcdn.vn