Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh:VGP. |
Đây là nhận định của các chuyên gia của ADB tại buổi họp báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ngày 15/9 tại Hà Nội.
Tại buổi công bố Báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận định, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do COVID-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn là nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Báo cáo ADO 2020, ấn bản kinh tế thường niên hàng đầu của ADB phân tích, nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam; sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021.
Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.
Về triển vọng chung, các chuyên gia của ADB phân tích, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và sự suy giảm trong nước đang cho thấy xấu hơn dự kiến. Tuy nhiên, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác, và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.
“Các nền tảng kinh tế vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay”, ADB nhận định.
Tuy nhiên, những nguy cơ lớn vẫn còn như đại dịch COVID-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Ngoài ra, báo cáo cũng nhận định những mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng thêm bởi đại dịch kéo dài.
Trả lời câu hỏi về vấn đề giải ngân đầu tư công, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB khẳng định, ADB là đối tác cho vay lâu dài của Việt Nam trong đó phần lớn sử dụng trong việc đầu tư công.
Trong bối cảnh dịch bệnh, sự đi xuống của kinh tế toàn cầu khiến đầu tư tư nhân bị giảm mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp “khôn ngoan” khi thúc đầu đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Vẫn còn nhiều thách thức khi tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng do các khâu triển khai dự án như đánh giá tác động, giải phóng mặt bằng, một số việc gặp khó khăn hơn khi có dịch bệnh…, nhưng tiến độ giải ngân năm nay vẫn cao hơn so với một số năm vừa qua.
“ADB cam kết sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam để triển khai hiệu quả hơn các dự án đầu tư công hiệu quả hơn trong tương lai”, ông Andrew Jeffries nói.
Về lĩnh vực ngân hàng, ADB nhận định, hoạt động cho vay sẽ vẫn tiếp tục yếu mặc dù NHNN đã áp dụng những biện pháp hỗ trợ. Về phần mình, các ngân hàng có thể không muốn nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để chấp nhận bảng cân đối kế toán yếu hơn của DN, do lo ngại gia tăng nợ xấu khi kết thúc thời hạn tái cơ cấu khoản vay. Nhu cầu tín dụng từ phía DN cũng giảm, đi đôi với lượng cầu thấp đối với các sản phẩm và dịch vụ của DN. Do đó, tín dụng ngân hàng được dự báo chỉ tăng 10% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng năm 14,0% của NHNN.
Đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tiếp tục tăng. Một nghiên cứu chung của Tổ chức Lao động Quốc tế và ADB dự đoán rằng, 548.000 người lao động trẻ của Việt Nam sẽ mất việc làm nếu đại dịch kéo dài và con số này là 370.000 người ngay cả khi đại dịch được kiềm chế hiệu quả.
Phân tích về đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định, sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện để tự do hóa thương mại. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản đã công bố danh sách 15 DN Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các DN chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế, và các DN còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn.
Việt Nam cần thay đổi cách thức cạnh tranh thu hút đầu tư, không dựa nhiều vào ưu đãi, chi phí thấp như trước mà cần dựa nhiều vào chất lượng, tạo ra hiệu quả về chất lượng, năng suất lao động, logistics.
“Quan trọng các nhà đầu tư đó có đáp ứng tiêu chuẩn, chuyển giao công nghệ, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, tạo điều kiện cho các DN nội địa kết nối hay không”, ông Nguyễn Minh Cường khuyến nghị.
Theo Huy Thắng/baochinhphu.vn
dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Thi-truong/ADB-Kinh-te-Viet-Nam-van-dung-vung-truoc-COVID19/407698.vgp