Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý hàng chục nghìn tỷ đồng tại các dự án đầu tư công

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”.

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước diễn ra sáng ngày 22/9, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên khẳng định, đầu tư công có vai trò trong việc điều tiết các chỉ số kinh tế vĩ mô như bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ quốc gia, góp phần ổn định và làm giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm bất bình đẳng, bất công trong xã hội.

Theo ông Đoàn Xuân Tiên, qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng; đồng thời đưa ra rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban Quản lý dự án để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án; kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.

Kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt là trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân 7 tháng là 173.040 tỷ đồng đạt 40,98% và ước đến 31/8/2020 là 22.774,1 tỷ đồng đạt 47,08% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Ngoài ra, đến ngày 20/8/2020 còn khoảng 18.902 tỷ đồng (bằng 3,96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao) chưa được Bộ, ngành, địa phương phân bổ, trong đó Bộ, ngành là 8.130 tỷ đồng và địa phương là 10.772 tỷ đồng.

Lý giải về sự chậm trễ này, ông Đoàn Xuân Tiên cho rằng do tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.

Theo T.Phương/taichinhdoanhnghiep.net.vn

Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/kiem-toan-nha-nuoc-kien-nghi-xu-ly-hang-chuc-nghin-ty-dong-tai-cac-du-an-dau-tu-cong-d15520.html

Trả lời