Sáng ngày 9/10, sau 5 ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị lần thứ 13, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã bế mạc. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023 là những nội dung quan trọng được thảo luận kỹ lưỡng, liên tục trong 3 ngày làm việc của Hội nghị.
Ban Chấp hành Trung ương đã tập trung thảo luận sôi nổi, sâu sắc, có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, xác đáng và thống nhất cao về các nội dung cần bổ sung, sửa đổi dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ đã trình Trung ương các báo cáo về tình hình phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2021-2023.
Cụ thể, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất nhận định, 9 tháng đầu năm 20220, tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái nặng nề, tăng trưởng âm; thương mại thế giới sụt giảm nghiêm trọng; thị trường tài chính biến động bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, kinh tế – xã hội nước ta bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016-2020, mặc dù 4 năm trước đó luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, năm sau tốt hơn năm trước.
Mặc dù vậy nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn của Chính phủ đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Việt Nam được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế – xã hội, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời và tổ chức thực hiện tốt để duy trì ở mức cao nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng đầu năm, dự kiến từ 2 đến 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).