5 chỉ tiêu xếp loại Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 18/3/2019, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTC hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng (QBLTD) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo đó, kể từ ngày 01/6/2019 các QBLTD sẽ được đánh giá hiệu quả hoạt động theo 5 chỉ tiêu sau: 

Chỉ tiêu xếp loại

Thứ nhất, về chỉ tiêu tăng trưởng doanh số bảo lãnh cấp tín dụng: Xếp loại A, khi QBLTD có tỷ lệ tăng trưởng doanh số bảo lãnh thực hiện tổi thiểu bằng 90%  kế hoạch được giao trong năm; Xếp loại B, khi có tỷ lệ tăng trưởng doanh số bảo lãnh thực hiện đạt từ 75% đến dưới 90% kế hoạch được giao; Xếp loại C, khi tỷ lệ tăng trưởng doanh số bảo lãnh thực hiện đạt dưới 75% kế hoạch được giao.

Thứ hai, về chỉ tiêu tỷ lệ nợ đã trả thay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Xếp loại A, khi QBLTD có tỷ lệ nợ đã trả thay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tổng dư nợ, bảo lãnh thực hiện bằng hoặc thấp hơn kế hoạch được giao; Xếp loại B, khi tỷ lệ nợ đã trả thay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tổng dư nợ, bảo lãnh thực hiện từ trên 100% đến 110% kế hoạch được giao; Xếp loại C, khi tỷ lệ nợ đã trả thay cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tổng dư nợ, bảo lãnh thực hiện cao hơn 110% kế hoạch được giao.

Thứ ba, chỉ tiêu về tỷ lệ thu hồi nợ bắt buộc: Xếp loại A, khi QBLTD có tỷ lệ thu hồi nợ bắt buộc, thực hiện tối thiểu bằng 90% kế hoạch được giao trong năm; Xếp loại B, khi tỷ lệ thu hồi nợ bắt buộc, thực hiện đạt từ 75% đến dưới 90% kế hoạch được giao; Xếp loại C, khi tỷ lệ thu hồi nợ bắt buộc thực hiện đạt dưới 75% kế hoạch được giao.

Thứ tư, chỉ tiêu về tổng thu nhập trừ tổng chi phí: Xếp loại A, khi QBLTD có tổng thu nhập trừ tổng chi phí thực hiện tối thiểu bằng 90% kế hoạch được giao trong năm; Xếp loại B, khi tổng thu nhập trừ tổng chi phí thực hiện đạt từ 75% đến dưới 90% kế hoạch được giao; Xếp loại C, khi tổng thu nhập trừ tổng chi phí thực hiện đạt dưới 75% kế hoạch được giao.

Thứ năm, chỉ tiêu về tình hình chấp hành chế độ, chính sách pháp luật:

Xếp loại A, khi QBLTD không bị các cơ quan có thẩm quyền ra thông báo hoặc kết luận về các vi phạm cơ chế, chính sách thuộc nội dung tại tiết đ khoản 2 Điều 14 của Thông tư này.

Xếp loại B, khi vi phạm một trong các trường hợp: Bị Bộ Tài chính hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản…; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, số tiền từng lần bị xử phạt không vượt quá 50.000.000 đồng…

Xếp loại C, khi vi phạm một trong các trường hợp sau: Không nộp báo cáo tình hình hoạt động, báo cáo tài chính và các báo cáo khác theo quy định…; Bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính bằng các hình thức phạt tiền, số tiền từng lần bị xử phạt từ trên 50.000.000 đồng trở lên…; Người quản lý điều hành Quỹ bảo lãnh tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Quỹ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tổng hợp đánh giá

Sau khi thực hiện phương pháp đánh giá hiệu quả, QBLTD sẽ được tổng hợp đánh giá xếp loại:

Xếp loại A, khi không có chỉ tiêu xếp loại C, trong đó có ít nhất 02 chỉ tiêu trong các chỉ tiêu sau được xếp lại A. Xếp loại B, trong các trường hợp không được xếp loại A hoặc loại C. Xếp loại C, khi có từ 2 chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu trở lên xếp loại C.

Bên cạnh đó, việc đánh giá hiệu quả và xếp loại QBLTD được thực hiện trên cơ sở so sánh giữa kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao với kết quả thực hiện và kết quả giám sát hoạt động.

Hàng năm, căn cứ các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động, QBLTD báo cáo gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để thực hiện xếp loại.

Theo T. Anh/Tạp chí điện tử Tài chính

 

Trả lời