Trong tháng 8/2023, hàng loạt chính sách tài chính được Bộ Tài chính ban hành hoặc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó nổi bật là các quy định như: Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công; xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở…
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, khai thác Phần mềm Quản lý tài sản công
Có hiệu lực từ ngày 27/8/2023, Thông tư số 48/2023/TT-BTC quy định về việc quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm Quản lý tài sản công gồm: Tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội; tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân. Việc quản lý, sử dụng, khai thác phần mềm theo quy định tại Thông tư này không áp dụng đối với tài sản công của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; tài sản công tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Theo Thông tư số 48/2023/TT-BTC, thông tin dữ liệu tài sản công cập nhật vào phần mềm là thông tin tại báo cáo kê khai của cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án, đơn vị chủ trì quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 48/2023/TT-BTC
Xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở
Ngày 17/7/2023, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 50/2023/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP của Chính phủ và điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Bộ Tài chính đã điều chỉnh mức lương cơ sở đối với các đối tượng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP; Điều chỉnh quỹ phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố theo mức khoán quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và Nghị định số 33/2023/NĐ-CP; Điều chỉnh trợ cấp cho cán bộ xã đã nghỉ việc theo Quyết định số 130/CP của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng theo quy định tại Nghị dịnh số 42/2023/NĐ-CP của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 31/8/2023.
Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 50/2023/TT-BTC
Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 51/2023/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2023 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước năm 2024-2026. Nội dung, quy trình và thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2024-2026 được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và hướng dẫn tại Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2023 và áp dụng cho quá trình xây dựng dự toán NSNN năm 2024 và kế hoạch tài chính – NSNN năm 2024 – 2026.
Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 51/2023/TT-BTC
Hướng dẫn sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 18/8/2023, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 56/2023/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Thông tư số 56/2023/TT-BTC được ban hành có phạm vi điều chỉnh bao quát cả ba lĩnh vực: phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở và được áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho các công tác này.
Thông tư quy định rõ nguồn kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở được bố trí thực hiện theo phân cấp ngân sách, đó là: (i) Chi thường xuyên ngân sách trung ương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của các bộ, cơ quan ở trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ; (ii) Chi thường xuyên ngân sách địa phương để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở của địa phương và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp huyện, Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện theo phân cấp ngân sách nhà nước; (iii) Kinh phí từ nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước và nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06/10/2023.
Mời xem nội dung văn bản tại đây: Thông tư số 56/2023/TT-BTC
Theo: Thùy Linh/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/diem-lai-chinh-sach-tai-chinh-duoc-ban-hanh-hoac-co-hieu-luc-tu-thang-8-2023.html