Phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là yêu cầu cần thiết và mang tính lâu dài. Đây cũng là xu thế chung mà Việt Nam phải thực hiện để hướng tới phát triển bền vững và cụ thể hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Sử dụng pin mặt trời giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh.
Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học là một quá trình bền bỉ, đòi hỏi phương pháp nhận diện kịp thời, có giải pháp và định hướng để kiểm soát, đặc biệt là trước áp lực của tăng trưởng và tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, để cân bằng giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường cần có sự tham gia của tất cả các bên. Ví dụ như nhìn ở góc độ doanh nghiệp, vấn đề môi trường có tác động trực tiếp đến giảm năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, do đòi hỏi các bên liên quan đều phải quyết tâm và tiên phong trong việc thực hiện.
Đưa ra giải pháp nhằm hài hòa giữa mối quan hệ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo môi trường, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, tất cả các dự án trước khi hoàn thành phải có công cụ kiểm soát, đảm bảo sàng lọc đạt quy chuẩn các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát, kiểm tra, hoàn thiện thêm chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để bảo đảm tính tuân thủ pháp luật về môi trường.
Nhấn mạnh vai trò giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp trong việc đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, Quốc hội luôn thực hiện tốt vai trò giám sát trong các dự án liên quan đến vấn đề môi trường. Từ đó, là cơ sở định hướng cho Chính phủ, các cơ quan hữu quan thực hiện, nhiều dự án không bảo đảm yếu tố về bảo vệ môi trường, bảo đảm đa dạng sinh học đã bị dừng triển khai.
Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cần đặt vai trò, sự tham gia của toàn xã hội một cách có trách nhiệm hơn. Do đó, GS. TSKH. Đặng Huy Huỳnh đề nghị cần có cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy vai trò của cộng đồng, vận động người dân tham gia sâu, rộng vào các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy thực hiện việc giám sát nhân dân với công tác bảo đảm nhiệm vụ, quy định về bảo vệ môi trường… Khi thực hiện được các mục tiêu này sẽ tạo cơ sở cho việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đề ra.
Theo: Lê Anh/Tapchitaichinh.vn
Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/hai-hoa-giua-tang-truong-kinh-te-va-bao-dam-moi-truong.html