Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc kinh doanh VNDIRECT đánh giá, trái với lo lắng của nhiều người, thị trường chứng khoán Việt Nam trên thực tế có thể hưởng lợi lớn từ sự dịch…
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc đang ngày càng leo thang, diễn biến rất đáng chú ý là nền kinh tế lớn nhất châu Á vừa quyết định phá giá đồng Nhân dân tệ nhằm đối phó và trả đũa chính sách áp thuế từ Nhà Trắng. Động thái này gây nhiều lo ngại sẽ ảnh hưởng đáng kể tới thị trường Việt Nam – nền kinh tế có quan hệ mật thiết với Trung Quốc. Nhadautu.vn có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc kinh doanh VNDIRECT.
Vừa qua Trung Quốc đã có động thái phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) nhằm phản ứng lại chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump. Một số ý kiến đánh giá diễn biến này có thể gây sức ép giảm giá lên tiền Đồng, qua đó giảm sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, ông có đánh giá gì?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Câu chuyện thương chiến giữa Mỹ – Trung là một trong những mối quan tâm lớn nhất và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) luôn quan sát cẩn trọng, bởi hệ quả trực tiếp và gián tiếp từ căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều ảnh hưởng sâu rộng đến Việt Nam, trong đó áp lực lên VND khi NDT mất giá là điều đã được kiểm chứng trong quý II/2018.
Cũng phải lưu ý rằng, tỷ giá USD trong nước từ đầu tháng 5/2019 cũng tăng trưởng. Cụ thể, giá USD của một số ngân hàng từ 6/5 – 9/5 tăng khoảng 130-150 đồng/USD. Tiếp đó, USD tăng mạnh trong 2 ngày 13/5 – 14/5 và sau đó giảm sâu vào 15/5 với mức giảm khoảng 60 đồng/USD. Tuy vậy, giá USD tại các ngân hàng lại tiếp tục tăng mạnh, thậm chí giá bán USD ngày 20/5 tại Vietcombank có lúc tăng vọt lên mức kỷ lục gần 23.500 đồng/USD.
Tuy nhiên, NHNN luôn theo dõi và điều tiết rất linh hoạt theo cơ chế tỷ giá trung tâm, đáp ứng cung cầu và bình ổn tâm lý kỳ vọng (mất giá) là rất tốt và chủ động. Ngoài ra, cơ quan này mới đây đã đưa ra đánh giá rằng thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể về cơ bản vẫn tương đối thuận.
Do vậy, tôi đánh giá, lần này áp lực của NDT tới VND không tác động nhiều lên thị trường chứng khoán trong nước bởi chúng ta đã có sự chuẩn bị khá kỹ. Thậm chí, nhiều báo cáo chỉ ra rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc, điều này giúp cung ứng một lượng lớn USD thông qua đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) và NHNN chắc chắn nhân cơ hội này gia tăng dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường.
Một nỗi lo là việc phá giá đồng NDT sẽ làm hàng hóa của Trung Quốc rẻ hơn đáng kể và ảnh hưởng tới hàng hóa Việt Nam, ông đánh giá mức độ ảnh hưởng ra sao?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Câu hỏi này sẽ thuần túy hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông thường, việc xuất khẩu chính ngạch sẽ giao dịch thông qua quy đổi tỷ giá trung gian là USD còn tiểu ngạch có thể giao dịch trực tiếp bằng NDT hoặc VND thanh toán giao ngay. Việc NDT mất giá nhanh hơn VND thông qua đồng tiền trung gian USD đúng là sẽ tạo áp lực lên hàng hoá của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo như quan sát hiện tại thì mức độ này không lớn và mức dao động quanh 1% sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch nói chung và tuỳ trường hợp cụ thể nói riêng (đơn hàng giao ngay hay đơn hàng kỳ hạn..) , còn tiểu ngạch thì cũng tương đồng nhưng mức độ ảnh hưởng sẽ nhỏ hơn do quy mô giao dịch giảm đi.
Với diễn biến Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, ông nhìn nhận nhà đầu tư có thể giải ngân ở nhóm cổ phiếu nào?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Việt Nam sẽ được hưởng lợi là kịch bản khả thi khi dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, tìm tới khối ASEAN, Ấn Độ, Brazin (Samsung là một minh chứng dễ thấy nhất).
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Chính phủ Việt Nam tái cấu trúc lại hạ tầng, chính sách, logistics để thu hút FDI, nguồn lực nội địa, chủ động xây dựng một nền kinh tế xuất khẩu những sản phẩm chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng cao vào thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới này.
Việc cải thiện hạ tầng và rà soát chính sách, kêu gọi đầu tư sẽ mang lại xu hướng tích cực trung hạn cho nền kinh tế Việt Nam. Các ngành nghề được hưởng lợi lớn sẽ là khu công nghiệp, logistic, hạ tầng, xuất khẩu các mặt hàng thích hợp thị trường Mỹ và các mặt hàng cơ địa của Việt Nam.
Không những thế, thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam sẽ hưởng lợi từ dòng vốn nội địa Trung Quốc cũng như các nước tư bản khác khi dịch chuyển ra khỏi quốc gia này. Gần đây, chúng ta nhận thấy sự hiện diện dòng tiền Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản ở các đô thị lớn là khá rõ và với tính cách kinh doanh tương hỗ đặc trưng của người Trung Quốc thì từ địa ốc họ đầu tư sẽ lan toả tới các loại hình kéo theo như dịch vụ, du lịch, ăn uống nghỉ dưỡng… và lĩnh vực này sẽ không liên đới gì tới hàng hoá xuất khẩu qua Mỹ nên Việt Nam sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Ông có thể làm rõ tác động của việc phá giá đồng NDT đối với dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam?
Ông Huỳnh Minh Tuấn: Tổng thể cấu trúc phân bổ tài sản của các quỹ phòng hộ (hegde fund), quỹ chỉ số hay uỷ thác đầu tư toàn cầu đang trong “mùa vụ” tái cấu trúc lại các lớp tài sản với cốt lõi chuyển từ loại tài sản rủi ro (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ) sang loại ít rủi ro hơn như trái phiếu, hay các ngoại tệ mạnh để phòng vệ. Vì vậy, về cơ bản thì các loại thị trường như Việt Nam vẫn nằm trong vùng rút vốn của nhóm quỹ này nhưng mức độ đã giảm đi rất nhiều kể từ đầu 2018.
Bối cảnh hiện tại, tôi nhận định sẽ diễn ra sự phân hoá của dòng vốn ngoại và tái cơ cấu tỷ trọng theo ngành nghề mà họ dự phóng là sẽ có mức sinh lợi hấp dẫn trong tương lai hơn là rút ra khỏi Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!
Theo tcdn.vn