Doanh nghiệp hết nguồn lực, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, một số doanh nghiệp cho biết họ đã hết nguồn lực, điều này dẫn đến ngân hàng gặp khó khi thu hồi các khoản nợ. Tỷ lệ nợ xấu theo đó sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lũy kế từ tháng 8/2017 đến cuối tháng 1/2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42; trung bình khoảng 6,3 nghìn  tỷ đồng/tháng, cao hơn nhiều so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ năm 2012 – 2017 trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực (khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Cùng với Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), ngày 15/8/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các TCTD, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng.

Việc thực hiện Nghị quyết số 42 đã mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020.

Hoạt động xử lý nợ xấu của VAMC cũng đạt kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến cuối tháng 12/2022, VAMC đã xử lý ước đạt 276,5 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc, gấp 4,9 lần so với tổng dư nợ gốc xử lý giai đoạn 2013 – 2016.

Mặc dù, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng trước những diễn biến bất lợi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước, khả năng thanh toán của nhiều doanh nghiệp suy giảm, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021.

Tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng) đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5%/tổng dư nợ – gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, thực trạng nợ xấu của các TCTD hiện nay rất đáng lo ngại, trong bối cảnh doanh nghiệp rất khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Cụ thể, những tháng đầu năm 2023, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế toàn cầu.

Theo ông Hùng, chất lượng tài sản suy giảm, vấn đề kiểm soát nợ xấu của NHTM gặp nhiều khó khăn. Việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng;

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, trong khi việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 đã hết hiệu lực…

Ngoài ra, việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế gặp nhiều vướng mắc; Hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ còn chưa đồng bộ, thống nhất; Khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác.

Do vậy, ông Hùng đề xuất, tòa án nhân dân tối cao có văn bản hướng dẫn các tòa án cấp dưới trong việc xử lý các vướng mắc tranh chấp liên quan đến việc chủ tài sản đảm bảo  tạo ra các tranh chấp giả tạo nhằm kéo dài việc xử lý tài sản bảo đảm của TCTD.

Đối với các trường hợp cố tình chây ì, lẩn trốn, không xuất hiện, không hợp tác với cơ quan chức năng nhằm mục đích để kéo dài thời gian xử lý nợ, trốn tránh nghĩa vụ, coi thường sự nghiêm minh của luật pháp, cần tạo thành án lệ về việc xét xử vắng mặt các đối tượng này, hoặc áp dụng các biện pháp rút gọn tại tòa để rút ngắn thời gian khởi kiện, nhanh chóng xử lý có kết quả thu hồi của khoản nợ.

Ngoài ra, Chính phủ cần cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ các năm tới thông qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại sau trích lập các quỹ giai đoạn 2022-2023 nhằm gia tăng năng lực tài chính, dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tăng cao thời gian tới.

Theo: Hai Nam/Taichinhdoanhnghiep

Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-het-nguon-luc-ty-le-no-xau-se-tang-d39121.html

Trả lời