Khi doanh nghiệp còn trụ vững, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lo được việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn, doanh nhân xứng đáng là anh hùng của thời kỳ đổi mới của đất nước – TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Tại Diễn đàn Doanh nhân 2020 – Doanh nhân Việt Nam – Tổ quốc gọi tên mình ngày 9/10, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong đại dịch Covid – 19 tồn tại 2 cuộc chiến. Đó là cuộc chiến vì sinh mệnh của con người và cuộc chiến bảo vệ sinh kế của người lao động.
Doanh nhân chính là chiến sĩ đi đầu trong cuộc chiến bảo vệ sinh kế cho người lao động. Đất nước phải cảm ơn doanh nhân, chính họ đã mang lại việc làm, thu nhập cho người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn này.
“Khi doanh nghiệp còn trụ vững, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, lo được việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn, doanh nhân xứng đáng là anh hùng của thời kỳ đổi mới của đất nước” – Ts. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Dẫn lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về xây dựng đội ngũ doanh nhân vững mạnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phải công bằng, xóa bỏ mọi kỳ thị, định kiến đối với kinh tế tư nhân, Chủ tịch VCCI nhận định, hơn 3 thập kỷ qua, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã bước sang giai đoạn phát triển bùng nổ, tinh thần khởi nghiệp của cả dân tộc đã được khơi dậy. Đất nước đã có hàng triệu doanh nhân đang đứng mũi chịu sào gần 800.000 doanh nghiệp, 5,4 triệu hộ kinh doanh, đây chính là lực lượng chủ công xung kích trong công cuộc thoát nghèo vĩ đại, đưa Việt Nam từ 1 trong những quốc gia nghèo nhất thế giới bị tàn phá bởi chiến tranh trở thành nước có thu nhập trung bình. Việt Nam cũng trở thành mô hình thành công từ kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Việt Nam và thế giới đang trải qua đại dịch thế kỷ, một thử thách chưa từng có trong tiền lệ, tuy nhiên với sự kiên cường của đội ngũ doanh nhân, Việt Nam đã hoàn thành được mục tiêu kép, vừa khống chế được dịch Covid -19, vừa duy trì tăng trưởng, bảo vệ sinh mạng, sinh kế của người dân.
“Trong bối cảnh đó, chúng ta càng thêm trân trọng đội ngũ doanh nhân đã không buông bỏ khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, hy sinh quyền lợi của cá nhân và gia đình để duy trì doanh nghiệp” – TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Kết quả dự báo cho thấy, nền kinh tế thế giới sẽ không dễ dàng hồi phục, việc đẩy lùi suy giảm, lấy lại đà tăng trưởng sẽ là sự gian nan nhưng những kết quả bước đầu Việt Nam đạt được rất đáng ghi nhận. Trong thời kỳ Covid – 19, năng lực cạnh tranh cốt lõi mang tinh thần dân tộc Việt đã được khơi đậy, đó chính là khả năng thích ứng, chống chịu, cố kết vững chắc của cả hệ thống chính trị mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Chủ tịch VCCI nhận định, dù còn nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn là ngôi sao hy vọng, là điểm đến an toàn của các nhà đầu tư theo làn sóng chuyển dịch toàn cầu trong thế giới bất ổn. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đã tiếp nhận 30 hồ sơ xin trợ cấp của các doanh nghiệp để chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc về Nhật Bản hoặc sang các nước khác. Trong đó có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điển đến.
Sam sung sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển lớn nhất. Hiện Sam sung có 4 trung tâm nghiên cứu phát triển ở nước ngoài là Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc và Việt Nam.
Có thể nói rằng, Việt Nam với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, khả năng chống chịu linh hoạt của nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp đang là một điểm đến an toàn, tin cậy.