Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kích cầu, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm hồi phục sau dịch COVID-19.
Sau khi mở cửa hoạt động trở lại, từ 1/2/2022, hệ thống siêu thị đã bắt đầu thực hiện Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8%.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail cho biết các hệ thống bán lẻ thuộc tập đoàn đã bắt đầu áp dụng giá bán được cập nhật theo thuế VAT, giảm từ 10% xuống còn 8%.
Với điều chỉnh mới, tại hệ thống đại siêu thị GO!, Big C sẽ có trên 20.000 sản phẩm như thực phẩm khô, nước giải khát, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng,… được áp dụng giá bán mới, giảm 2% thuế VAT.
Trong khi tại hệ thống siêu thị Tops Market giá bán được cập nhật theo thuế VAT mới cũng được áp dụng đối với khoảng 12.000 sản phẩm. “Giá bán được cập nhật theo thuế VAT mới, giảm 2% thuế VAT sẽ giúp người dân mua sắm tiết kiệm hơn”, bà Vân nhìn nhận.
Tương tự, tại một số hệ thống siêu thị như Lotte Mart hay MM Mega Market cũng đã bắt đầu thực hiện giảm thuế VAT cho một số sản phẩm đang chịu thuế 10% sau khi mở cửa hoạt động trở lại sau Tết Nhâm Dần.
Trong thông báo mới đây, UNIQLO Việt Nam cho biết áp dụng nghị quyết 43/2022/QH15 về việc giảm 2% thuế suất thuế VAT và nhằm bảo đảm tối đa quyền lợi cho mọi khách hàng, UNIQLO Việt Nam giảm 2% trên giá bán lẻ từ ngày 01/02/2022.
Cụ thể, khi mua sắm tại tất cả các cửa hàng của UNIQLO bao gồm cả cửa hàng UNIQLO online, các khách hàng sẽ nhận được khoản tương đương 2% với những hướng dẫn cụ thể như với các cửa hàng bán lẻ trực tiếp, giá được giảm trực tiếp tại quầy thu ngân khi khách hàng thực hiện thanh toán; giá được niêm yết trên bảng thông tin sản phẩm trong cửa hàng (POP), tờ rơi và nhãn mác sản phẩm vẫn là giá đã bao gồm 10% thuế VAT. Với cửa hàng UNIQLO online (website và ứng dụng UNIQLO), giá hiển thị trên website và ứng dụng là giá sau khi áp dụng mức giảm 2% thuế.
Là một người tiêu dùng, thường xuyên mua sắm hàng hóa thiết yếu cho gia đình, chị Bùi Phương Tâm ở ngõ 593 Hoàng Hoa Thám (Ba Đình) chia sẻ, việc giảm 2% thuế VAT dù không nhiều nhưng là tin vui với người tiêu dùng trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do tác động của dịch COVID-19. “Như vậy nếu mình mua hàng với hoá đơn trị giá 1 triệu đồng thì sẽ được giảm khoảng 20.000 đồng tiền thuế VAT. Khoản tiền này tuy không quá lớn, nhưng trong mùa dịch thì lại có ý nghĩa với người lao động”, chị Tâm nói.
Bước đệm phục hồi phát triển kinh tế
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Chính phủ giảm thuế VAT cho hầu hết các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ là hành động thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người tiêu dùng vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, từ đó từng bước phục hồi phát triển kinh tế.
Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Hiện việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… Trong khi đó, hệ thống chợ truyền thống, tạp hóa…chưa có mức giảm rõ nét. Do vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để người tiêu dùng được hưởng những ưu đãi này khi mua sắm tại hệ thống chợ truyền thống.
Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh cho rằng, thuế VAT đánh trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng, nên việc giảm thuế sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ sẽ giảm theo.
“Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, “cứu” nhà sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp kinh tế tăng trưởng. Đây là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do COVID-19, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Có thể thấy, hiện trong cơ cấu hàng hóa tại hệ thống siêu thị có đến 90% đến 95% là hàng Việt, việc giảm thuế VAT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ không phải tăng giá thành sản phẩm qua đó khuyến khích người dân tiêu thụ hàng Việt.
Ngoài ra, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát việc tăng chỉ số giá tiêu dùng khi tiêu dùng trong nước phục hồi và mở rộng sau dịch COVID-19.
Theo Thùy Linh/thanglong.chinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: https://thanglong.chinhphu.vn/giam-thue-vat-kich-cau-suc-mua-103220210172307736.htm