JLL cho biết 5 thị trường công nghiệp hàng đầu tại vùng kinh tế trong điểm miền Nam đều có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt mức cao, 81% trong quý II/2019.
Là các khu vực phát triển về công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, Bình Dương và Đồng Nai vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư săn đón nhất nhờ nền tảng vững chắc để phát triển sản xuất, bao gồm hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ và thủ tục hành chính được thiết lập tốt để hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong quý II/2019, tổng diện tích đất cho thuê tại thị trường miền Nam đạt 25.060 ha, cao gấp 2,5 lần so với miền Bắc. Nhờ thương chiến Mỹ – Trung, giá thuê trung bình đất khu công nghiệp được đẩy lên 95 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng gần 16% so với cùng kỳ.
Cùng với Bình Dương và Đồng Nai, Long An hiện đang được xem là lựa chọn mới của các nhà đầu tư, trong khi đó TP. HCM vẫn duy trì vị trí số 1 với mức giá 162 USD/m2/chu kỳ thuê.
Giá thuê RBF dao động từ 3,5 – 5 USD/m2/tháng với thời hạn thuê tối thiểu 3-5 năm. Mức thuê này tăng nhẹ so với kỳ cập nhật hai quý trước đó, nhờ nhu cầu đối với loại hình này đang tăng mạnh.
Theo JLL, khoảng 18.290 ha đất đã được định hướng cho phát triển công nghiệp ở khu vực phía nam, phần lớn nguồn cung tập trung chủ yếu ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
“Do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung dự kiến sẽ tiếp tục leo thang, xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho toàn khu vực, bao gồm cả Việt Nam.
“Ngoài ra, việc Việt Nam nỗ lực mở rộng khu vực thương mại tự do, trong đó mới nhất là Hiệp định thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) vừa được ký kết vào cuối tháng 6 năm 2019, cũng được kỳ vọng sẽ tăng cường sức hấp dẫn của thị trường công nghiệp Việt Nam, thúc đẩy nhu cầu đối với bất động sản công nghiệp trong nước”, JLL nhận xét.
Thị trường văn phòng: Giá thuê tăng nhẹ
Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2019 của JLL cũng đề cập tới thị trường văn phòng cho thuê tại TP. HCM.
Theo báo cáo, trong quý II/2019, thị trường văn phòng TP. HCM chào đón hơn 42.000 m2 nguồn cung mới, đến từ 7 tòa nhà mới. Nguồn cung mới này giúp nâng tổng nguồn cung văn phòng tại TP. HCM lên hơn 2,23 triệu m2 sàn.
Đáng chú ý, nguồn cung văn phòng mới tại TP. HCM đều tập trung tại khu vực ngoài trung tâm. Còn tại khu vực trung tâm, kể từ khi Deutsches Haus Hồ Chí Minh hoàn thành vào quý IV/2017, khu vực này không ghi nhận thêm nguồn cung hạng A- B mới nào.
Về giá thuê, báo cáo của JLL ghi nhận tỷ lệ tăng giá thuê văn phòng hạng A đã chậm lại so với quý I, trong khi đó giá thuê hạng B lại tiếp tục tăng (3,5% theo quý).
Dự kiến đến cuối năm 2019, thị trường sẽ chào đón một lượng lớn nguồn cung mới, khiến tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường bị giảm. Không gian làm việc linh hoạt sẽ tiếp tục mở rộng ở cả khu vực trung tâm và ngoài trung tâm.
Thị trường bán lẻ: Chuyển biến ngược chiều giữa trung tâm thương mại và bách hóa tổng hợp
Thị trường bán lẻ TP. HCM trong quý II ghi nhận nguồn cung mới từ các dự án trung tâm thương mại: AEON Mall Tân Phú giai đoạn 2 và TNL Plaza.
AEON Mall Tân Phú giai đoạn 2 đã đóng góp 41.900 m2 vào tổng thể dự án và nâng tổng quy mô của AEON Mall Tân Phú lên 84.000 m2, trở thành trung tâm thương mại lớn nhất TP. HCM. Trong khi đó, TNL Plaza, với quy mô 11.179 m2, là khối đế bán lẻ trong dự án phức hợp nhà ở The Goldview và là trung tâm thương mại đầu tiên chính thức được ghi nhận trên thị trường quận 4.
Ngược với trung tâm thương mại, phân khúc trung tâm bách hóa lại cho thấy đà suy giảm. Quý II/2019 ghi nhận một trung tâm bách hóa khu vực ngoài trung tâm chuẩn bị rút lui khỏi thị trường và một trung tâm bách hóa khác trong khu vực trung tâm, Parkson Lê Thánh Tôn, đang tạm đóng cửa để cải tạo (dự kiến sẽ mở cửa lại vào quý III/2019).
Trong quý II, thị phần khu vực ngoài trung tâm tăng mạnh khiến cho giá thuê trung bình toàn thị trường giảm nhẹ xuống mức 45,1 USD/m2/tháng, giảm 0,67% theo quý, giảm 2,73% theo năm. Giá thuê xét riêng từng dự án vẫn tiếp tục ổn định trong quý khảo sát.
Dự báo trong nửa cuối năm 2019, thị trường bàn lẻ TP. HCM sẽ chào đón thêm 110.400 m2 đến từ 3 dự án ngoài trung tâm. Bên cạnh nhu cầu chủ yếu đến từ các ngành hàng F&B, giải trí và thời trang, các ngành hàng chăm sóc sức khỏe, giáo dục và cửa hàng trưng bày cũng đóng vai trò quan trọng trong công suất hoạt động của các trung tâm thương mại trên thị trường TP. HCM.