Trong bối cảnh Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần tiếp cận đầy đủ thông tin, phân tích và đánh giá kỹ các rủi ro có thể gặp khi đầu tư trái phiếu, hàng loạt các ngân hàng lớn như BIDV, HDBank, VPBank, TPBank,… vẫn bung sức phát hành hàng loạt gói trái phiếu trong 6 tháng qua.
Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 130 doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo 818 đợt với giá trị phát hành thành công là hơn 156 nghìn tỷ đồng, đạt gần 70% so với giá trị đăng ký chào bán.
Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân là 3,93 năm. Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 3 năm được các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất, đạt hơn 66.000 tỷ đồng.
Riêng trong quý 2/2020, có tổng cộng 81 doanh nghiệp phát hành trái phiếu, chia thành 522 đợt, với giá trị phát hành thành công là 117,7 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 70% số đăng ký phát hành.
Các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất. Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành thành công hơn 43.300 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 4,55 năm; các doanh nghiệp bất động sản phát hành thành công hơn 45.500 tỷ đồng, trái phiếu có kỳ hạn bình quân là 3,84 năm.
Các ngân hàng đứng đầu về phát hành trái phiếu trong 6 tháng có thể kể đến BIDV, HDBank, VPBank, TPBank,…Cụ thể, BIDV đã phát hành thành công hơn 16.600 tỷ đồng với tổng cộng 34 đợt phát hành. HDBank huy động được 10.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu, VPBank 7.000 tỷ đồng,…
Trái phiếu do các ngân hàng phát hành thường có kỳ hạn 2-3 năm, một số ngân hàng như BIDV, VietinBank phát hành với kỳ hạn còn dài hơn, lên tới 6-15 năm, nhằm bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn.
Chủ yếu để đảo nợ?
Trước thực trạng trên, theo phân tích của các chuyên gia, trái phiếu doanh nghiệp là một loại chứng khoán có rủi ro cao, chứ không phải tiền gửi ngân hàng như không ít nhà đầu tư cá nhân lầm tưởng. “Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, có những lúc việc phát hành trái phiếu không phải thực sự là phát hành, mà đảo nợ”, một chuyên gia đánh giá.
“Trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất càng cao thì rủi ro sẽ càng lớn. Hơn nữa, các doanh nghiệp trong nước chưa được đánh giá tín nhiệm bởi một tổ chức xếp hạng độc lập uy tín nên nhà đầu tư không thể biết “sức khỏe” của doanh nghiệp phát hành trái phiếu như thế nào, đang lỗ hay lãi, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Trong khi việc giám sát các DN phát hành trái phiếu sử dụng vốn huy động có đúng mục tiêu và hiệu quả như thế nào vẫn còn khá lỏng lẻo. Vì vậy nhà đầu tư phải thận trọng khi muốn tham gia vào thị trường này”, chuyên gia này phân tích thêm.
Nhận thấy loại hình phát hành này “lành ít, dữ nhiều”, liên tục trong giữa tháng 5 và đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Tài chính đã hai lần đưa ra khuyến nghị liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ này lưu ý, chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu và cân nhắc kỹ lưỡng về các rủi ro có thể gặp phải, nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân mới nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì LS cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu DN phát hành gặp khó khăn.
Bổ sung điều kiện phát hành từ 1/9
Đó là một trong những nội dung được nêu tại Nghị định số 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 1/9/2020, để phát hành trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi hoặc trái phiếu không kèm theo chứng quyền, doanh nghiệp phải đáp ứng 11 điều kiện sau:
Một là, doanh nghiệp phát hành là công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam.
Hai là, có thời gian hoạt động tối thiểu từ 01 năm kể từ ngày được cấp lần đầu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép có giá trị tương đương theo quy định của pháp luật.
Đối với doanh nghiệp được tổ chức lại hoặc chuyển đổi, thời gian hoạt động được tính là thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị chia (trong trường hợp chia doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp bị tách (trong trường hợp tách doanh nghiệp), thời gian hoạt động dài nhất trong số các doanh nghiệp bị hợp nhất (trong trường hợp hợp nhất doanh nghiệp), thời gian hoạt động của doanh nghiệp nhận sáp nhập (trong trường hợp sáp nhập công ty), thời gian hoạt động của doanh nghiệp trước và sau khi chuyển đổi (trong trường hợp chuyển đổi công ty).
Ba là, có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện theo quy định.
Bốn là, ký hợp đồng tư vấn với tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định, trừ trường hợp doanh nghiệp phát hành là tổ chức được phép cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Năm là, đảm bảo tuân thủ giới hạn về số lượng nhà đầu tư khi phát hành, giao dịch trái phiếu theo quy định.
Sáu là, có phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận.
Bảy là, thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi của trái phiếu đã phát hành trong 03 năm liên tiếp trước đợt phát hành trái phiếu (nếu có).
Tám là, đáp ứng các tỷ lệ an toàn tài chính, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Chín là, đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mười là, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công bố thông tin trước khi phát hành; đợt phát hành sau phải cách đợt phát hành trước tối thiểu 06 tháng, trái phiếu phát hành trong một đợt phát hành phải có cùng điều kiện, điều khoản.
Mười một, tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu không phải đáp ứng quy định thứ chín và thứ mười nêu trên.
Đối với phát hành trái phiếu chuyển đổi hoặc trái phiếu kèm chứng quyền, doanh nghiệp cũng phải đáp ứng từ điều kiện thứ hai đến điều kiện thứ mười một nêu trên.
Như vậy, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được quy định cụ thể và chặt chẽ hơn so với quy định hiện hành nhằm tiếp tục vận hành và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, bền vững.