Trường hợp người lao động nước ngoài lao động ở Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Sử dụng 193 lao động nước ngoài không có giấy phép lao động, Công ty hữu hạn Công trình xây dựng điện lực An Huy 1 (Tập đoạn Xây dựng năng lượng Trung Quốc), bị xử phạt 135 triệu đồng.
Được biết, để thi công xây dựng gói thầu 2A dự án nhiệt điện BOT Hải Dương tại xã Phúc Thành (Kinh Môn), Công ty An Huy 1 đã đưa hơn 300 lao động từ Trung Quốc sang làm việc, trong đó 193 lao động chưa được cấp phép.
Do đó, UBND tỉnh Hải Dương đã xử phạt Công ty A Huy 1 vì lý do trên. Ngoài ra, công ty này cũng bị đình chỉ sử dụng lao động nước ngoài trong 2 tháng, kể từ ngày có quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Đây không phải là lần đầu tiên Hải Dương phát hiện, xử lý vi phạm doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài trái phép. Đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cũng đã ra quyết định xử phạt hành chính 90 triệu đồng đối với Công ty TNHH Twin Hải Dương Việt Nam (khu công nghiệp Đại An, Cẩm Giàng). Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung đình chỉ hoạt động 1 tháng kể từ ngày 31/1/2019. Nguyên nhân là do doanh nghiệp sử dụng 20 lao động nước ngoài không có Giấy phép lao động.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Thuận – Giám đốc Công ty luật Bạch Đằng Giang, đoàn luật sư Hải Phòng, căn cứ theo Luật Lao động 2012, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì việc giao kết hợp đồng lao động sẽ được thực hiện sau khi lao động nước ngoài được cấp giấy phép lao động và trước ngày dự kiến làm việc cho người sử dụng lao động. Nên việc giao kết hợp đồng lao động khi chưa có giấy phép lao động là không đúng quy định.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP hướng dẫn Bộ Luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam: Trước ít nhất 15 ngày làm việc, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động đó phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Ngoài ra, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải gửi bản sao hợp đồng lao động đã ký kết tới Sở LĐTB&XH đã cấp giấy phép lao động đó (Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 11/2016).
Ông Thuận cho biết thêm, trường hợp người lao động nước ngoài lao động ở Việt Nam không có giấy phép lao động hoặc sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam (Điều 18 Nghị định số 11/2016, Điều 22 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH…).
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, xu hướng lao động nước ngoài từ các quốc gia châu Á đến Việt Nam làm việc vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đặc biệt là lao động Trung Quốc, Đài Loan chiếm khoảng 58% tổng số người nước ngoài; lao động nước ngoài mang quốc tịch Châu Âu (Anh, Pháp…) chiếm khoảng 28,5% và các nước khác chiếm 13,5%. Hiện, Hải Dương là 1 trong 10 địa phương có số lượng lớn lao động nước ngoài.
Theo các cơ quan quản lý nhà nước, một bộ phận lao động nước ngoài không đủ điều kiện làm việc tại Việt Nam đã tìm cách “lách” quy định của pháp luật bằng cách sử dụng giấy thông hành có thời hạn 90 ngày (dưới 3 tháng), xin VISA du lịch,…
Theo ông Lê Quang Trung – Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) để quản lý chặt chẽ hơn nữa lao đông nước ngoài tại Việt Nam cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam liên quan đến người lao động nước ngoài, đặc biệt đối với ngoài lao động nước ngoài làm việc trong các nhà thầu. Đồng thời chỉ đạo các địa phương công khai việc tuyển lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển lao động nước ngoài.
Nguồn : tapchitaichinh.vn