Công ty Probina treo biển “Coca-Cola – Mở lon Việt Nam – Trúng vàng mỗi ngày” tại phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), nhưng không thông báo nội dung đến nhà chức trách.
Ngày 27/6, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phạt Công ty quảng cáo Probina 25 triệu đồng vì treo biển “Coca-Cola – Mở lon Việt Nam – Trúng vàng mỗi ngày” tại phố Nguyễn Lương Bằng (quận Đống Đa), nhưng không thông báo nội dung đến nhà chức trách.
Biển quảng cáo này choán hết mặt tiền tầng 3 của bốn ngôi nhà trên phố, gây mất mỹ quan và an toàn đô thị.
Trước đó, Cổng thông tin Điện tử của Bộ VH-TT&DL đưa tin, Cục Văn hóa cơ sở vừa có Công văn gửi các Sở VH&TT&DL, Sở VH&TT các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương về việc chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola.
Theo Bộ VH-TT&DL, hiện nay, nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam”. Việc sử dụng cụm từ nêu trên trong nội dung quảng cáo có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo, vi phạm các quy định tại Khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Trao đổi báo chí, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) – cho biết công văn yêu cầu chấn chỉnh được ban hành sau khi Cục kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola Việt Nam.
Theo quan điểm của Cục Văn hóa Cơ sở, cụm từ này không có thông tin rõ ràng. Nếu đã nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm như lon Coca-Cola, lon bia hay lon nước ngọt. Còn việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hóa là không cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm.
Mặt khác, việc gắn chữ “lon” mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau … là phản cảm và thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy.
Cục Văn hóa Cơ sở nhận định “tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng”.
Được biết, giống như nhiều lĩnh vực hiện nay, hoạt động quảng cáo đã được cải cách thủ tục hành chính, không có thủ tục cấp phép. Hơn nữa, một chiến dịch quảng cáo được thực hiện dưới nhiều hình thức, trên nhiều loại phương tiện quảng cáo nên càng không có thủ tục cấp phép cho cả một chiến dịch quảng cáo. Đến nay, chỉ còn lại một thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng, băng-rôn.
Trong trường hợp có vi phạm, chính quyền sẽ phân định trách nhiệm của từng chủ thể (người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo…) theo quy định của Luật Quảng cáo.
Hoàng Linh (T/H)/Sức Khỏe Cộng Đồng
Nguồn : tintucvietnam.vn