Tại phiên họp thứ 38 diễn ra sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ tình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Luật Doanh nghiệp và các nghị định hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, thúc đẩy thành lập, phát triển và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp.
Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 1.478.101 tỷ đồng; so với năm 2014 (trước khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng gấp 1,75 lần (so với 74.842 doanh nghiệp năm 2014) và số vốn đăng ký thành lập mới tăng gấp 3,4 lần (so với 432.286 tỷ đồng năm 2014).
Một số một nội dung quan trọng của Luật như đăng ký doanh nghiệp, bảo vệ cổ đông thiểu số được ghi nhận đã có thay đổi mạnh mẽ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đã tăng 21 hạng, hiện xếp hạng 104/190 (từ hạng 125/190 năm 2014); tổng thời gian thực hiện thủ tục này giảm từ 34 ngày xuống chỉ còn 17 ngày. Quy định về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư có cải thiện mạnh mẽ, hiện xếp hạng 89/190 quốc gia (tăng 28 hạng so với năm 2014 và 90 hạng so với năm 2013).
Tuy vậy, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của luật mới ban hành.
Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ…
“Bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi bối cảnh kinh tế – xã hội và yêu cầu cải cách mạnh mẽ nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp là xây dựng khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.
Từ mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể bao gồm: Tạo thuận lợi nhất cho hoạt động thành lập và đăng ký doanh nghiệp; cắt giảm chi phí và thời gian trong khởi sự kinh doanh; góp phần nâng xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh lên ít nhất 25 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
Nâng cao cơ chế bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của doanh nghiệp; thúc đẩy quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực theo thông lệ tốt và phổ biến trong khu vực và quốc tế; nâng mức xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư lên ít nhất 20 bậc (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới).
Tạo thuận lợi hơn, giảm chi phí trong tổ chức lại doanh nghiệp: sáp nhập, hợp nhất, chia, tách và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế khẳng định nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật.
Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp và hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh; đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế; góp phần thúc đẩy sự thành lập, phát triển và mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị đầy đủ theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tuy nhiên, 2 dự thảo Nghị định trong hồ sơ trình kèm còn thiếu nội dung quy định chi tiết về trái phiếu doanh nghiệp và chuyển đổi hộ kinh doanh. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung đầy đủ nội dung trong dự thảo văn bản dưới luật, bảo đảm chất lượng, thống nhất với dự án Luật trình Quốc hội.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sửa đổi Luật Doanh nghiệp, cho rằng việc sửa đổi phải tiếp tục kế thừa, phát huy kết quả và tác động tốt của các cải cách trong các Luật Doanh nghiệp 2000, 2005 và 2014 trong hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế.
Một số ý kiến cho rằng, việc sửa đổi phải bảo đảm thi hành đầy đủ và nhất quán những cải cách của Luật Doanh nghiệp gắn với việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp;…
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung thảo luận về những vấn đề cụ thể của dự án Luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh; quyền của cổ đông; doanh nghiệp nhà nước; hộ kinh doanh;…
Nguyễn Hoàng
Nguồn: baochinhphu.vn