Đầu năm 2020, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) phát hiện 3 container vỏ bọc nệm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng gắn mác “Made in Vietnam”, “Manufactured by Super Foam Vietnam Ltd” và ghi cả tên nhà nhập khẩu là doanh nghiệp (DN) có địa chỉ tại California, Hoa Kỳ.
Theo Cục Hải quan TPHCM, mục đích ghi như vậy là để hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu. Tương tự, hải quan các địa phương khác cũng kiểm tra, phát hiện nhiều vụ vi phạm liên quan đến “mượn danh” xuất xứ Việt Nam.
Theo Cục Hải quan TPHCM, tình hình gian lận thương mại có sự biến tướng, xuất hiện nhiều hình thức mới. Như gian lận xuất xứ, lợi dụng hoạt động gia công sản xuất xuất khẩu, quá cảnh, kinh doanh chuyển khẩu để né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại và bảo hộ kinh tế.
Hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa để hưởng thuế suất ưu đãi thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đến nền sản xuất trong nước và uy tín quốc gia. Mà đỉnh điểm vụ việc chính là Hoa Kỳ thông báo kết luận việc điều tra lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam, áp thuế lên tới 456%.
Nguyên nhân, do nghi ngờ một số loại thép Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan. Đây thực sự là “cú sốc” đối với ngành thép Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ, nhưng mặt khác lại là bài học cảnh tỉnh đối với nhiều ngành hàng xuất khẩu khác của Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, thông tin về việc tiếp đoàn Lãnh sự Hoa Kỳ tìm hiểu về các container chuyên chở mật ong rất lớn xuất xứ Việt Nam xuất qua quốc gia này. Trong quá trình khảo sát tại một trang trại nuôi ong ở Tây Nguyên (nhà cung ứng có sản lượng xuất khẩu đáng kể), phía Hoa Kỳ phát hiện nguồn nguyên liệu được gom về từ nhiều nơi, thậm chí ở các quốc gia lân cận, nên khó chứng minh nguồn gốc, chất lượng, xuất xứ…
Nhằm hạn chế tình trạng này, ngày 31-12-2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 119/NQ-CP về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.
Lãnh đạo ngành Hải quan cũng kiến nghị cơ quan chuyên trách cần nhìn thẳng vào vấn đề, đừng ngại đụng chạm, mặc dù việc giả mạo xuất xứ vẫn bị xem là vấn đề nhạy cảm. Các hiệp hội doanh nghiệp cần đẩy mạnh truyền thông, vận động doanh nghiệp chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong kinh doanh để giữ được thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam trên trường quốc tế.
Dẫn theo Nguồn link : http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/y-thuc-trach-nhiem-trong-kinh-doanh-317840.html