Trong giai đoạn 2021 – 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 – 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP.
Giai đoạn 2016 – 2020 quy mô GDP tăng 1,4 lần
Báo cáo Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016 – 2020; dự kiến kế hoạch năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 – 2025 của Chính phủ tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV nêu rõ, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 – 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.
Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD. Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 – 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 18,6% năm 2011 xuống còn dưới 4% trong giai đoạn 2016 – 2020. Tỷ giá, thị trường ngoại hối khá ổn định; lãi suất có xu hướng giảm dần; cán cân thanh toán thặng dư, dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục; hệ số tín nhiệm quốc gia được cải thiện.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, tỷ trọng thu nội địa tăng lên 81,6% (giai đoạn 2011 – 2015 là 68,7%). Giai đoạn 2016 – 2019, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước ước đạt bình quân 24,5% GDP, cao hơn mức bình quân giai đoạn 2011 – 2015 (23,6% GDP). Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng lên 27 – 28%, tỷ trọng chi thường xuyên giảm còn 62 – 63%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bội chi ngân sách nhà nước và nợ công được kiểm soát, giảm so với giai đoạn trước. Bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2019 khoảng 3,5% GDP, giảm so với giai đoạn 2011 – 2015 (5,4% GDP).
Từ năm 2017, nhờ giảm bội chi ngân sách nhà nước, siết chặt quản lý vay và bảo lãnh chính phủ, nợ công bắt đầu giảm. Đến hết năm 2019, tỷ lệ nợ công ước khoảng 55% GDP, nợ chính phủ khoảng 48% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,1% GDP, nằm trong giới hạn cho phép tương ứng là không quá 65% GDP; 54% GDP và 50% GDP.
“Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, khả năng thu ngân sách sẽ thấp hơn dự kiến, đồng thời các chính sách hỗ trợ cho y tế, sản xuất, kinh doanh và an sinh xã hội sẽ phát sinh thêm yêu cầu tăng chi, dẫn tới tăng bội chi ngân sách nhà nước, dự kiến năm 2020 khoảng 5% GDP. Tỷ lệ nợ công năm 2020 tăng lên khoảng 56,8% GDP, trong giới hạn cho phép”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt khoảng 33,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng 1,7 lần, năm 2020 đạt khoảng 535 tỷ USD mặc dù thương mại quốc tế giảm mạnh, trong đó điểm sáng là xuất khẩu của khu vực trong nước tăng mạnh, 9 tháng năm 2020 tăng trên 20%; xuất siêu 5 năm liên tiếp.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt gần 60%, cao nhất trong nhiều năm gần đây. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%. Việc sắp xếp lại, cổ phần hoá, thoái vốn thực chất hơn. Tổng số thu về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2019 là 221 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần giai đoạn 2011 – 2015.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra do tác động, ảnh hưởng lớn, ngoài dự báo của đại dịch Covid-19, dẫn đến tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 không đạt mục tiêu đề ra. Trong đó, nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề; số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng mạnh.
“Việc giải ngân gói hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi đại dịch Covid-19 còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra; Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định sửa đổi, bổ sung quy định phù hợp để các chính sách hỗ trợ sớm phát huy hiệu quả, đi vào thực tiễn cuộc sống”, Thủ tướng nói.
Năm 2021 GDP tăng khoảng 6%
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong năm 2021 và những năm đầu của giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa tận dụng tốt các cơ hội, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ trình Quốc hội 12 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2021; trong đó: GDP tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45 – 47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5 điểm phần trăm; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 42%…
Trong giai đoạn 2021 – 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 – 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 – 5.000 USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1 – 1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%…
Để đạt được mục tiêu trên, Chính phủ đặt ra 10 nhiệm vụ trong đó tập trung thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng chống và giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đáng chú ý, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các nhiệm vụ cơ cấu lại và phát triển các ngành, lĩnh vực. Chú trọng nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống; thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.
Theo An Nhiên/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/chinh-phu-muon-giai-doan-2021–2025-thu-nhap-dat-5000-usd-nguoi-d16115.html