Mặc dù kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 ước đạt khoảng 5,8% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới.
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh tại báo cáo đánh giá sơ bộ tình hình thực hiện Nghị quyết số 142/2016/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, phục vụ phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ngày 25/9.
Kế hoạch này đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật, báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư in đậm dòng đánh giá khái quát.
Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 – 2020 ước đạt khoảng 5,8% và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung.
Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt khoảng 269 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với năm 2015; GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
Kết quả nổi bật nữa được nêu tại báo cáo là các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt bằng 33,5% GDP, đạt mục tiêu bình quân 5 năm (32 – 34% GDP). Cán cân xuất, nhập khẩu hàng hoá chuyển từ thâm hụt sang thặng dư cuối kỳ 5 năm, đặc biệt ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục trong năm 2019 (đạt 10,87 tỷ USD), tạo điều kiện cán cân thanh toán giữ được trạng thái tích cực, góp phần ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Ngành năng lượng cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu năng lượng của nền kinh tế. An ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc, góp phần quan trọng ổn định kinh tế – chính trị – xã hội và phát triển đất nước, nhất là trong đại dịch Covid-19; tham gia vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới.
Bên cạnh kết quả, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức trong 5 năm qua.
Đó là, kết quả phát triển kinh tế – xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chưa có những bứt phá lớn. Mô hình tăng trưởng vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước….
Vẫn trong phần hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, chênh lệch giàu – nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn.
Theo Trúc Nhi/taichinhdoanhnghiep.net.vn
Dẫn theo nguồn: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gdp-viet-nam-5-nam-qua-thuoc-nhom-cao-nhat-khu-vuc-d15578.html