Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được thể chế hoá tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, sẽ trợ lực hữu hiệu cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
Cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại
Chủ trì Hội nghị “Triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 3/3, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, cải cách môi trường kinh doanh ở nước ta từ năm 2020 do tác động của dịch COVID-19 có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc.
Cùng quan trên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ưng – CIEM) thẳng thắn chia sẻ, từ cuối năm 2019, nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh “chùng xuống”, gây ra sự đứt gãy nhất định của quá trình cải cách.
“Dù trên thực tế, nhiều cải cách điều kiện kinh doanh đã có trên văn bản nhưng chưa có đánh giá về hiệu quả thực thi. Ngành nghề kinh doanh có điều kiện tuy thu gọn về số lượng nhưng chưa thực chất”, bà Thảo cho biết thêm.
Khảo sát của CIEM về cải thiện môi trường kinh doanh chỉ ra rằng thời gian qua, tại một số địa phương, những nỗ lực cải cách chưa rõ nét, còn hình thức và chưa thực sự bám sát thực tiễn doanh nghiệp. Điều này có thể nhìn thấy từ việc các yếu tố thị trường chưa được vận hành hiệu quả. So với các nước ASEAN, Việt Nam có điểm số, thứ hạng chỉ số tự do chưa cao.
Vì lẽ đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh cải cách, cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh đang trở nên quan trọng, cần thiết hơn bao giờ hết, là yếu tố quan trọng đối với phục hồi, gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong và sau đại dịch. Cộng đồng doanh nghiệp đã chịu tác động nặng nề của dịch bệnh và đang cần một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn cũng như giảm chi phí để phục hồi, mở rộng đầu tư kinh doanh.
Nghị quyết 02/NQ-CP: Khơi dậy và khẳng định mạnh mẽ nỗ lực cải cách
Phân tích xu hướng đứt gãy trong cải thiện môi trường kinh doanh do tác động của yếu tố khách quan, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng trước đòi hỏi thực tiễn về cải cách hiện nay cao hơn, phức tạp và khó khăn hơn trước rất nhiều, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ là bằng chứng về nỗ lực cải cách của Chính phủ. Nghị quyết mở rộng cả về phạm vi, không gian điều chỉnh và mục tiêu, chỉ tiêu, khẳng định cam kết ngày càng mạnh mẽ.
“Hành lang chính sách đã có, việc tổ chức thực thi là trọng tâm hàng đầu. Vì vậy cần thay đổi tư duy cải cách, không nên tự nhận chúng ta làm tốt mà nên tư duy nếu đã làm tốt rồi thì cần làm tốt hơn nữa, thậm chí tốt nhất có thể, vượt lên trên cả sự tuân thủ. Cùng với đó phải bảo đảm được sự chuyển động đồng đều của các ngành, các lĩnh vực”, chuyên gia kinh tế Đức Hiếu nhấn mạnh.
Để Nghị quyết 02/NQ-CP thực sự có hiệu quả trong thực tế, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương công khai kết quả cải cách hành chính theo chuyên đề để các hiệp hội và người dân có thể cùng theo dõi, góp ý.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, ông Thân cho rằng điều thiết yếu, cơ bản là các doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau. Chẳng hạn như các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi được tham gia các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, con người đến lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán.
Ngoài ra, cần phân bổ nguồn vốn phù hợp để dành cho phát triển ứng dụng khoa học công nghệ nói chung, và nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật nói riêng trong lộ trình từ nay đến năm 2025.
Bên cạnh đó, phía CIEM cũng kiến nghị một số giải pháp để triển khai hiệu quả Nghị quyết, như: Dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt của các quy định pháp luật. Tiếp tục chú trọng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch COVID-19 bằng những động thái cụ thể; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo: Minh Ngọc/Baochinhphu
Dẫn theo nguồn: https://baochinhphu.vn/khoi-day-dong-luc-cai-cach-tao-don-bay-cho-phuc-hoi-va-phat-trien-kinh-te-102220303185551811.htm