Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 7-7,5%

Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.

Hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025 của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng trưởng kinh tế dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; nhiều dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia đưa vào khai thác; tình hình chính trị – xã hội, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; vị thế, uy tín của Việt Nam tiếp tục được nâng lên.

Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, tác động trực tiếp đến nước ta do có độ mở kinh tế lớn và những hạn chế, bất cập, khó khăn nội tại đã tích tụ từ lâu, khó có thể cải thiện ngay trong thời gian ngắn. Rủi ro của các thị trường còn tiềm ẩn; thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, bão lũ, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường hơn…

Theo đánh giá của Chính phủ, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức dự báo đan xen trong năm 2025 nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, tạo sức ép lớn cho công tác chỉ đạo điều hành, nhất là về thúc đẩy tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đặt mục tiêu 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định. Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm 2021-2025.

Theo đó, Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (7-7,5%) để đến hết năm 2025 xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 USD. Phấn đấu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1%; Tốc độ tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5,3-5,5%…

Tăng cường năng lực nội sinh

Để thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2025, Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.

Chính phủ cũng xác định tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc pháp lý hoàn thiện hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tổ chức, theo dõi, thi hành pháp luật. Tổ chức triển khai tích cực các dự án luật (sửa đổi) và các dự án một luật sửa nhiều luật về đầu tư công, đầu tư, quy hoạch, đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng tài sản công, dự trữ quốc gia, kế toán, kiểm toán độc lập, chứng khoán, quản lý thuế…

Đặc biệt là tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025; hoàn thành thủ tục và khởi công đầu tư trong năm 2025 đối với tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Lạng Sơn – Hà Nội và Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng và đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam…

Về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 theo hướng nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh. Trong đó, cần có giải pháp đặc biệt để khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp ở các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. 

Cho rằng việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý, giám sát thị trường này. Song song với đó là thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. 

Đối với giải ngân vốn đầu tư công, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần có giải pháp cụ thể, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Bên cạnh đó, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật đặc biệt là di dời đường điện cao thế, tình trạng thiếu hụt đất đắp, cát san nền. Triển khai hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực các cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án giao thông, các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo: Trần Huyền/Tapchitaichinh.vn

Dẫn theo nguồn: https://tapchitaichinh.vn/phan-dau-toc-do-tang-truong-gdp-nam-2025-khoang-7-7-5.html

Trả lời