Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, mạnh mẽ, chủ động hơn nữa, có các giải pháp, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới. “Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Ngành đường sắt dứt khoát phải hiện đại hóa. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Chiều nay (23/12), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc làm việc với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về tình hình vận tải đường sắt năm 2021, kế hoạch vận tải đường sắt năm 2022.
Tham dự có Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh và lãnh đạo một số bộ, ngành.
Nỗ lực vượt khó, biến nguy thành cơ
Ngành đường sắt, hiện có hơn 21.300 lao động, là ngành giàu truyền thống, với các tuyến đường sắt đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ 50 đến trên 140 năm.
“Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh nói.
Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, hoạt động vận tải bằng các phương thức khác bị đình trệ, ngành đường sắt đã chủ động đẩy mạnh vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm. Trong đó, tập trung vào việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, tăng tỉ trọng vận tải hóa bằng container và đẩy mạnh vận chuyển hàng liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á. Trong năm Tổng công ty đã đưa vào khai thác sản phẩm dịch vụ mới là đoàn tàu container liên vận quốc tế chạy thẳng châu Âu.
Trong năm 2021, vận chuyển hàng hoá đạt 5,6 triệu tấn, bằng 110,4% cùng kỳ, nhưng chỉ vận chuyển được 1,4 triệu lượt hành khách lên tàu, bằng 36,7% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% cùng kỳ. Doanh thu Tổng Công ty hợp nhất đạt 6.290 tỷ đồng, bằng 94,6% so với cùng kỳ và đạt 95,3% kế hoạch năm.
Thu nhập bình quân người lao động là 7,2 triệu đồng/người/tháng, đạt khoảng 84% so với cùng kỳ, trong đó thu nhập của người lao động khối vận tải đạt 5,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 68% so với cùng kỳ.
“Dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến vận chuyển hành khách, tuy nhiên vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế giữa Việt Nam-Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á thời gian qua rất phát triển. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành đường sắt”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông góp ý. “Tuy nhiên tổ chức vận tải vẫn tiếp cận theo hướng cũ như hiện nay thì không phát triển được. Nên mô hình vận tải hàng hóa cần xem lại”. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đông cho rằng Tổng Công ty cần có kế hoạch, xây dựng các phương án về vận tải hàng khách trong bối cảnh dịch bệnh, nhất là khi chạy lại.
Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Vũ Anh Minh: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Ảnh VGP/Đức Tuân |
Góp ý về phương hướng thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Cao Lục đề nghị Tổng công ty cần xác định mục tiêu vận tải hàng hóa là chính, chuyển đổi chiến lược trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ, thời gian qua, Tổng công ty Đường sắt gặp nhiều khó khăn, nhất là bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến doanh thu giảm. Bộ trưởng cho rằng lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt nói riêng, toàn ngành đường sắt nói chung phải đổi mới tư duy, tập trung vào vận tải hàng hóa trong bối cảnh còn nhiều cơ hội. Theo Bộ trưởng, sắp tới đường cao tốc Bắc Nam phía đông đi vào hoạt động, xe chạy 100 km/giờ, trong khi đường sắt vẫn mấy chục km/giờ, lại qua nhiều đường ngang, khu dân cư thì không thể cạnh tranh được.
Nhắc đến tình trạng tắc ùn tắc hàng hóa, xe container tắc nghẽn ở các cửa khẩu của Việt Nam-Trung Quốc vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho rằng, nếu có vận tải hàng hóa đường sắt thì sẽ giải quyết được rất lớn. Ông cũng mong muốn ngành đường sắt cần đổi mới tư duy trong sản xuất kinh doanh.
Phải mạnh dạn, quyết tâm đổi mới
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chia sẻ với những khó khăn mà ngành đang gặp phải. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, ngành đường sắt đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn, vươn lên.
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay, hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do chưa được đầu tư tương xứng. Thu nhập bình quân của người lao động còn thấp. “Để hiện đại hóa ngành đường sắt thì đòi hỏi nguồn vốn rất lớn bởi cần đầu tư đồng bộ cả hệ thống, không thể đầu tư hiện đại hóa từng phần”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Muốn vượt qua khó khăn thì cần sự hỗ trợ, Phó Thủ tướng nêu rõ, “Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hiện đại hoá ngành đường sắt”.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, cán bộ, lãnh đạo ngành đường sắt phải đổi mới tư duy, quyết liệt, chủ động hơn nữa, có các giải pháp, cách làm mới để đưa ngành đường sắt phát triển hơn trong thời gian tới. “Ngành đường sắt không thể như thế này mãi được, dứt khoát phải hiện đại hóa”.
“Vai trò của người đứng đầu, của lãnh đạo, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, Tổng Giám đốc Tổng Công ty là quan trọng nhất, quyết định sự phát triển của ngành là ở các đồng chí”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng, lãnh đạo ngành đường sắt phải mạnh dạn, chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp đột phá.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Đức Tuân |
Yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt xây dựng phương án sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để “biến nguy thành cơ, biến khó khăn, thách thức thành cơ hội phát triển”, Phó Thủ tướng cho rằng, cần linh hoạt chuyển đổi, phát huy tối đa lợi thế về vận tải hàng hóa so với các phương thức vận tải khác.
Về dài hạn, Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung hơn nữa cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó chú ý bảo dưỡng và đầu tư mới, đầu tư đến đâu dứt điểm đến đó.
Cho rằng phải có cơ chế để huy động nguồn lực xã hội là chủ yếu, đầu tư công mang tính dẫn dắt, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ GTVT rà soát, ưu tiên bố trí vốn cho ngành đường sắt bởi lâu nay ngành vẫn đang nhận được ít đầu tư so với các ngành giao thông khác như hàng không, đường bộ.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo tinh thần tại Văn bản số 636/TTg-CN, tuyệt đối không để lặp lại những vướng mắc như trong vài năm qua, đảm bảo an toàn khai thác trên toàn hệ thống.
Đối với các đề xuất cụ thể của Tổng Công ty đường sắt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành tổng hợp, xử lý trên tinh thần tạo điều kiện tối đa để từng bước hiện đại hoá ngành đường sắt.
Theo Đức Tuân/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Pho-Thu-tuong-Le-Van-Thanh-Dut-khoat-phai-hien-dai-hoa-nganh-duong-sat/457022.vgp