Bộ Tài chính vừa trả lời Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 211/BDN ngày 08/6/2020. Theo đó, cử tri Quảng Nam kiến nghị Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2019/TT-BTC ngày 30/01/2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, bổ sung thêm các nội dung hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương, như: khảo sát, xây dựng dự án; lập quy hoạch; mua sắm máy móc, trang thiết bị; xây dựng điểm bán hàng; hỗ trợ thành lập mới doanh nghiệp, HTX tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, quy định nội dung hỗ trợ các sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ nông thôn và bán hàng tham gia Chương trình OCOP…
Đối với những vấn đề mà cử tri Quảng Nam quan tâm, Bộ Tài chính cho biết, ngày 07/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Khoản 5, Điều 1, Quyết định số 490/QĐ-TTg quy định nguồn vốn thực hiện Chương trình OCOP chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tài trợ của các tổ chức quốc tế… Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần, bao gồm: Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn khuyến công, khuyến nông, các nguồn vốn lồng ghép khác của trung ương và địa phương.
Điểm e, Khoản 6, Điều 1, Quyết định số 490/QĐ-TTg quy định nhiệm vụ, giải pháp về huy động nguồn lực, theo đó nguồn lực lớn nhất từ cộng đồng (như tiền vốn, đất đai, sức lao động, nguyên vật liệu, công nghệ,… ); huy động nguồn lực tín dụng từ các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP; Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách phù hợp, kịp thời để hỗ trợ cộng đồng đầu tư sản xuất, tổ chức dịch vụ thực hiện Chương trình OCOP.