Tổng cục Thuế rất sáng tạo trong công tác thu ngân sách nhà nước

Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác tài chính- ngân sách tháng 7 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm diễn ra ngày 9/8.

Quyết liệt chống thất thu NSNN

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tháng 7, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ DN và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 7 khoảng 87,2 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 55,1 nghìn tỷ đồng ; gia hạn khoảng 32,1 nghìn tỷ đồng ). Đồng thời, tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, kiểm soát chặt chẽ tình hình kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, tăng cường tuyên truyền, giải đáp vướng mắc cho người nộp thuế. Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, hiện đại công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử, trong đó đến nay 100% các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng; phát hành hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Cơ quan thuế, hải quan cũng đã tập trung kiểm tra, rà soát số lượng DN đăng ký kinh doanh, số lượng DN tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với 100% DN có kinh doanh; đẩy mạnh công tác quản lý, khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng (như: kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi…). Nhờ đó, cập nhật số liệu thu trên hệ thống TABMIS, thu NSNN đến hết ngày 5/8/2024 đạt  1.245,1  nghìn tỷ đồng, bằng 73,2% dự toán; trong đó, thu ngân sách trung ương đạt 77,85% dự toán, thu ngân sách địa phương đạt 68,53% dự toán.   

Báo cáo tại hội nghị, tại điểm cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, trong 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.117.000.000 đồng, bằng 75,2% dự toán. Đối với vấn đề thu hồi nợ thuế, Lãnh đạo Tổng cục Thuế chia sẻ, hiện nay các nước giao quyền nhất định cho cơ quan thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế nợ thuế phù hợp với tiềm năng, tình hình sức khỏe của từng đối tượng DN. 

Về tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Thuế được giao xây dựng 3 nghị đinh, trong đó có nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 107/2023/QH15 về thuế tối thiểu toàn cầu. Hiện, chính sách này được Tổng cục Thuế triển khai hết sức thận trọng, tổ chức lấy ý kiến tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.  

Về công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, theo Lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc quản lý bước đầu đi vào nề nếp, với cách làm phong phú như thư ngỏ gửi đến các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số tại Việt Nam để trao đổi về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động này; cung cấp bộ tài liệu hướng dẫn đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế và danh sách email của các cơ quan thuế để người nộp thuế chủ động liên hệ khi có vướng mắc. Qua đó, lọc được người nộp thuế cố tình gian lận sẽ chuyển cơ quan chức năng xử lý. Tổng cục Thuế cũng đang xây dựng quy trình chuẩn trong quản lý thuế thương mại điện tử, trong đó sẽ có Cổng riêng dành cho kê khai thuế đối với những người kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến ở trong nước.  

Đối với công tác phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử, theo Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, trên cơ sở hệ thống hóa đơn điện tử hiện nay, Tổng cục Thuế đã triển khai các biện pháp và đang dần kiểm soát được vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều đối tượng manh động, do vậy tới đây, việc sửa đổi, bổ sung văn ban quy phạm pháp luật sẽ cho phép chặn ngay từ khâu xuất hóa đơn đối với trường hợp rủi ro nhằm giảm nguồn lực cho cơ quan thuế.

Đối với công tác thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ, tổng thu 7 tháng đạt 337.527 tỷ đồng, đạt  63 % dự toán, tăng 11,3 % so với năm 2023. Với tiến độ thu như hiện nay, Lãnh đạo ngành Hải quan nhấn mạnh sẽ hoàn thành vượt dự toán được giao.

Tại hội nghị cũng đã lắng nghe ý kiến của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính báo cáo các nội dung liên quan đến công tác quản lý trái phiếu DN, kho bạc nhà nước, dự trữ nhà nước…

Xây dựng chính sách pháp luật phải phù hợp thực tiễn

Đánh giá về việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng lưu ý, trong tháng 8 và thời gian tới, các đơn vị cần tập trung thực hiện nhiệm vụ về xây dựng dự toán NSNN năm 2025; xây dựng chỉ thị tăng cường công tác quản lý thu; kiểm soát mặt bằng giá; đẩy nhanh tốc độ giải ngân… Đặc biệt chú trọng nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ và những nội dung cần thiết để phục vụ cho Kỳ họp Quốc hội tháng 10 tới, nhất là các luật, nghị quyết sẽ được cho ý kiến, thông qua; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, trong đó chú trọng vào các luật liên quan đến thuế…

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, tình hình kinh tế khó khăn có thể kéo dài, vì thế các đơn vị căn cứ theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp linh hoạt để thực công tác trong thời gian tới; đề ra được những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách giải quyết những khó khăn. Trong đó đối với công tác xây dựng chính sách pháp luật, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị cần tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, trong đó có 1 luật sửa 7 luật thuộc phạm vi quản lý. Đối với những vấn đề thuộc phạm vi của bộ, ngành khác, các đơn vị liên quan cần tham gia có trách nhiệm, hiệu quả. “Xây dựng chính sách pháp luật phải phù hợp thực tiễn, nhưng cũng phải hướng tới tương lai, tháo gỡ được khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng cũng đặc biệt đánh giá cao những kết quả mà ngành Thuế đã đạt được thời gian qua. Theo Bộ trưởng, Tổng cục Thuế rất sáng tạo trong công tác thu thuế như thành lập được Cổng thông tin điện tử về kê khai thuế xuyên biên giới, sau đó thành lập cổng thông tin điện tử kê khai kinh doanh thương mại điện tử, đây là một thành công. Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã tổ chức hướng dẫn về nộp thuế, tổ chức tuyên truyền, tổ chức thanh tra kiểm tra là sẽ thành công trong quản lý thuế thương mại điện tử; phát động được phong trào sáng tạo, viết phần mềm để quản lý thuế, đặc biệt là phần mềm đối chiếu thuế GTGT.  Đối với phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử, Bộ trưởng nhấn mạnh, để ngăn chặn hoá đơn điện tử giả thì phải tăng cường tuyên truyền, tăng cường xử lý, và xử lý mạnh để bảo vệ cán bộ thuế và cũng để cho DN nâng cao ý thức chấp hành, còn người tiêu dùng có ý thức “mua hàng ở đâu lấy hóa đơn ở đó”.

Người đứng đầu ngành cũng yêu cầu các đơn vị phải đảm bảo vận hành thông suốt, liên tục và cập nhật mới hệ thông công nghệ thông tin, nhất là trong các lĩnh vực trọng tâm như thuế, hải quan, chứng khoán “bởi đây là những lĩnh vực không chỉ của riêng một bộ, ngành mà liên quan đến toàn bộ nền kinh tế”, chỉ cần tắc ở một khâu thì “công sức đổ sông, đổ biển”. Song song với đó, chú trọng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin dự phòng, phải dự kiến đến những tình huống khó khăn nhất. Trong trường hợp xảy ra sự cố, thì hệ thống dự phòng vẫn phải đảm bảo an toàn, vận hành thông suốt. 

Đối với công tác điều hành chính sách tài khóa, Bộ trưởng chia sẻ, thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19, ngành Tài chính đã thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn thuế phí và tiền thuê trong 5 năm liên tục. Hiện nay, trong xu thế chung của thế giới là thắt chặt chính sách tài khóa để giữ ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát… thì việc quay trở thực hiện chính sách tài khóa bình thường như trước khi diễn ra dịch Covid-19 là hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

Theo Bài, ảnh: Giang Giang/thuenhanuoc.vn

Dẫn theo nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tieu-diem/02353e7f-2085-4129-a2a3-843d57266871

Trả lời