Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu những đánh giá, nhận định và dự báo tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, đồng thời nêu hàng loạt đề xuất, kiến nghị về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020-điểm cầu Trụ sở Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Thương mại đầu tư trì trệ, các chuỗi sản xuất bị gián đoạn, thị trường tài chính tiền tệ chao đảo, thị trường hàng hóa quốc tế biến động liên tục…
Nhiều tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 còn khoảng 2,4%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với mức đưa ra hồi tháng 11/2019.
Ngày 27/3, Tổng Giám đốc IMF tuyên bố nền kinh tế thế giới đã bước vào một cuộc suy thoái tiền tệ tương đương hoặc thậm chí trầm trọng hơn so với năm 2009.
Rủi ro xảy ra khủng hoảng toàn cầu cũng như tại các nền kinh tế chủ chốt đều đã được đề cập tới.
Liên quan đến thị trường tài chính tiền tệ thế giới, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất đột ngột xuống gần bằng 0 (0-0,25%) và bơm tiền thông qua mua trái phiếu (700 tỷ USD). Việc thay đổi lãi suất trong khoảng thời gian ngắn của Fed đã tạo nhiều tác động tới thị trường vàng, dầu mỏ và chứng khoán trên thế giới. Ở châu Âu, tiếp tục chiến dịch nới lỏng tài chính nhằm kích thích kinh tế, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/3 quyết định mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng cho các ngân hàng thương mại.
Giá hàng hóa trên thế giới có xu hướng giảm do cầu tiêu dùng giảm. Giá nguyên liệu thô giảm do Trung Quốc giảm nhu cầu vì sản xuất chưa phục hồi hoàn toàn. Giá kim loại đồng giảm mạnh 9% trong hai tuần đầu tháng 02/2020, giá thực phẩm thế giới giảm lần đầu tiên vào tháng 2/2020.
Giá dầu giảm mạnh do nguồn cung từ Saudi Arabia và UAE gia tăng sau khi không đạt được thỏa thuận với Nga về cắt giảm sản lượng; tác động bởi thị trường chứng khoán suy giảm; cầu về dầu giảm do hạn chế đi lại toàn cầu. OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ đạt trung bình 29,3 triệu thùng/ngày.
Dòng vốn FDI toàn cầu chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Trong trường hợp dịch bệnh kéo dài cả năm 2020, dự báo dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 có thể giảm xuống từ 5-15%, tập trung ở những nước bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch.
Dự báo tình hình kinh tế trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, khó đoán định. Việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% là thách thức rất lớn trong bối cảnh ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh kép từ COVID-19 và dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm.
Dịch bệnh lây lan kéo dài gây tổn thất trực tiếp lên các lĩnh vực như du lịch, vận tải và hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp đến, các nhóm ngành sản xuất và đầu tư sẽ chịu tác động gián tiếp. Hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng thương mại với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu,… đã suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động và nhu cầu giảm.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nền kinh tế, ổn định sản xuất kinh doanh, giúp đỡ doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng cường khả năng chống chịu dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội.
Dự báo trong các tháng tiếp theo, kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Dịch COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp và khó lường; khả năng hấp thụ gói tín dụng 285.000 tỷ đồng từ năng lực sản xuất và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước; rủi ro về tác động lây lan của suy giảm thương mại, sản xuất toàn cầu đối với tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2020; vốn FDI có xu hướng giảm do dịch bệnh làm các doanh nghiệp FDI hoạt động cầm chừng và tạm hoãn lại việc tăng vốn đầu tư trong thời gian tới khi tình hình dịch bệnh tại nhiều nước chưa có những biến chuyển tích cực; nhu cầu tín dụng thấp vẫn được dự báo đến hết quý II và sức ép tỷ giá gia tăng.
Từ phân tích, dự báo, nhận định tình hình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu một loạt kiến nghị, đề xuất về các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, trong đó kiến nghị trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ về phòng, chống, dập dịch, việc bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhân dân là nhiệm vụ ưu tiên, quan trọng hàng đầu.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để tập trung phòng, chống, giảm thiểu tác động dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Chỉ thị 11/CT-TTg đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, hướng tới các đối tượng là các doanh nghiệp, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ước tính tổng giá trị của các chính sách tiền tệ, tài chính khoảng 280 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 12 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đang có dấu hiệu biễn biến phức tạp tại Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục chủ động, bình tĩnh, thận trọng triển khai kịp thời các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, cần chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản xấu nhất để không để rơi vào thế bị động.
Nhiệm vụ trước mắt trong đợt cao điểm phòng, chống dịch là cần tập trung, ưu tiên mọi nguồn lực, bao gồm cả nhân lực, trí lực, nguồn lực về tài chính, máy móc, trang thiết bị, vật tư để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý cho nhân dân.
Cùng với việc phòng, chống dịch, cần huy động tối đa các nguồn lực nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các đối tượng doanh nghiệp, người lao động, nhóm yếu thế, đối tượng xã hội bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, làm chậm thời gian, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiểm soát lạm phát, đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn, sớm giảm thuế nhập khẩu thịt lợn, hạn chế tối đa việc đầu cơ, găm hàng để tăng giá lợn thịt, lợn giống. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa.
Tập trung phát huy các dư địa của động lực hỗ trợ tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương; vận động người dân ưu tiên dùng hàng trong nước, ủng hộ doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn khó khăn.
Tiếp tục theo dõi chặt chẽ, phân tích, tổng hợp, đánh giá về tình hình và những ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế, tới từng ngành, lĩnh vực, địa phương, khu vực doanh nghiệp, người lao động, các đối tượng xã hội để đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời.
Về trung hạn và dài hạn, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, bù đắp, giảm thiểu các thiệt hại, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn, có sức chống chịu và khả năng thích ứng với các biến động của bối cảnh bên trong và bên ngoài của nền kinh tế, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.
Nguyễn Hoàng
Dẫn Theo Nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Vua-phong-chong-dich-vua-huy-dong-toi-da-nguon-luc-nham-thao-go-kho-khan/391602.vgp