Bài học rất lớn cho chúng ta từ nay về sau là phải “dệt tấm lưới an sinh xã hội” đủ bền chắc để đối mặt với những biến động khó lường. Đồng thời phải xác định được tầm nhìn và xây dựng chiến lược cụ thể cho người lao động song hành với chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
TS. Khuất Thu Hồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Nam |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội nhấn mạnh rằng, dịch bệnh COVID-19 là điều chưa có tiền lệ khiến tất cả mọi người đều lúng túng. Diễn biến của dịch quá khó lường, các chính sách đều bị động… đã khiến việc làm của hàng triệu lao động bị ảnh hưởng.
Có lẽ chưa bao giờ có tiền lệ như thế xảy ra ở Việt Nam khi từng dòng người rời bỏ TPHCM và các tỉnh phía Nam, mặc dù họ biết rằng, trở về quê thì công việc cũng không có, chỉ có thể nương tựa vào người thân, gia đình để sống qua ngày.
Trở về quê nhà, khó khăn trước mắt họ chắc vẫn rất lớn khi việc làm và cuộc sống chưa được bảo đảm. Tuy nhiên, người lao động đều hồi hương với tâm lý về nhà đã, việc khác tính sau.
Lưới an sinh quá mỏng manh
“Câu hỏi là khi dịch lắng xuống rồi thì câu chuyện người lao động sẽ giải quyết thế nào. Chính sách nào đưa người công nhân trở lại khi doanh nghiệp ngừng sản xuất ở rất nhiều nơi hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra nhiều tổn hại cho các doanh nghiệp, cả nhà nước và người lao động?” – bà Khuất Thu Hồng nêu vấn đề.
Chính sách nào giúp người lao động có thể yên tâm, giúp cho doanh nghiệp khắc phục được tổn thất vừa qua để có thể quay trở lại sản xuất với quy mô như trước đây, là một câu hỏi rất lớn đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ở trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nguy cơ bị đứt gãy.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, trước diễn biến khốc liệt của dịch bệnh, sản xuất bị dừng hoặc cầm chừng ở rất nhiều doanh nghiệp khiến người lao động bị mất việc làm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống. Quan trọng nhất là ảnh hưởng đến niềm tin của họ.
Trong thời gian vừa qua nhiều người lao động bị mất việc làm, trong khi doanh nghiệp không giúp đỡ được gì đáng kể. Một số doanh nghiệp có giúp đỡ nhưng ở mức độ vừa phải. “Qua đại dịch mới thấy lưới an sinh của mình quá mỏng manh, người lao động dừng tay là không biết trông đợi vào đâu”, bà Thu Hồng phân tích.
Bài học rất lớn cho chúng ta từ nay về sau là phải “dệt tấm lưới an sinh xã hội” đủ bền chắc khi còn phải đối mặt với những điều tương tự như dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên… Việc thiếu sự chuẩn bị sẽ đưa đến những thảm họa.
“Tuy nhiên, lưới an sinh cũng mới chỉ là một phần, một phần quan trọng nữa là sự quản lý của chính quyền địa phương, của doanh nghiệp… Lưới an sinh của mình có thể rất tốt nhưng ở trong tình trạng bất ngờ và thiệt hại trên diện rất rộng như thế này, có lẽ bất kỳ lưới an sinh nào cũng gặp vấn đề. Các địa phương kêu gọi người lao động ở lại nhưng làm sao họ có thể ở lại được vì không ai biết được doanh nghiệp có thể trở lại hoạt động bình thường với đầy đủ công suất hay chỉ 30-50% số lao động được đi làm. Ở lại với tất cả gánh nặng cơm áo, nhà trọ, học hành của con cái thì làm sao họ dám ở lại, họ phải đi về quê”, bà Hồng nói.
Để chăm lo cho đời sống người lao động theo TS. Khuất Thu Hồng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Đơn cử, nếu chính quyền không tạo điều kiện thì doanh nghiệp không có đất đai để xây nhà ở cho công nhân, lo trường học cho con em họ.
Trong 24,5 triệu người lao động thì có hơn một nửa là người lao động ở trong khu công nghiệp. Bà Hồng cho rằng, Chính phủ nên có chính sách ràng buộc doanh nghiệp phải đảm bảo được cuộc sống cho người lao động; đã có những doanh nghiệp làm tốt việc này nhưng còn nhiều nơi chưa làm tốt nên mới xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Cần chiến lược cụ thể dành cho người lao động
Chúng ta sẽ “sống chung” với dịch, vaccine sẽ được tiêm cho hơn 70% dân số, dịch sẽ khống chế được, không bị cấp tập như thời gian vừa qua. Thế nhưng, theo bà Hồng, câu chuyện khôi phục sản xuất để cho người lao động quay trở lại làm việc là nan giải.
Bài toán này rất khó nhưng không có nghĩa là không giải được. Bà Hồng cho rằng, bài học rất lớn rút ra từ câu chuyện đại dịch này là tầm nhìn và chiến lược. Chúng ta nhấn mạnh rất nhiều đến chiến lược phát triển công nghiệp hiện đại nhưng lại thiếu vắng và chưa cụ thể về chiến lược dành cho người lao động. Cần rõ ràng khung chính sách về người lao động mà trong đó trách nhiệm của doanh nghiệp được ràng buộc như thế nào? Các chính sách về người lao động cần phải rà soát lại ngay xem cần điều chỉnh những gì, tăng cường như thế nào để câu chuyện như vừa qua không xảy ra, hoặc nếu còn xảy ra thì không ở quy mô rộng lớn như vậy.
Theo TS. Khuất Thu Hồng, khi người dân lựa chọn trở lại quê nhà sẽ tạo ra thách thức lớn về hạ tầng xã hội, trở thành vấn đề lớn của các địa phương khi dân số đột ngột tăng lên.
Sau khi dịch bệnh lắng xuống, tại các địa phương phát triển công nghiệp, nhất là các tỉnh phía Nam sẽ xảy ra tình trạng không đủ nguồn lao động để sản xuất. Lúc này doanh nghiệp rất cần đến sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong việc đưa người dân trở lại làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp. Vai trò của Chính phủ, của các bộ, ngành liên quan lúc này rất quan trọng với sách lược cụ thể, “gỡ rối” giúp các địa phương và doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nhanh chóng.
Theo Nhật Nam (thực hiện)/baochinhphu.vn
Dẫn theo nguồn: http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Vuot-qua-con-song-lon-khung-hoang-ve-lao-dong/450034.vgp