Quản lý nợ bền vững (DSA) là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia.
Chiều ngày 24/02, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khai mạc “Khóa đào tạo về quản lý nợ bền vững cho các quốc gia có khả năng vay vốn trên thị trường để phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo giám sát, quản lý nợ”.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiển, Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, quản lý DSA là một trong những mô hình quản lý nợ chủ đạo có liên hệ mật thiết với nhiệm vụ phân tích, dự báo và thực hiện các nghiệp vụ quản lý rủi ro danh mục nợ để đảm bảo an toàn nợ công, an ninh tài chính quốc gia. Tuy nhiên, từ trước đến nay DSA mới do các chuyên gia IMF thực hiện đánh giá trong khuôn khổ đoàn công tác Điều khoản IV hàng năm tại Việt Nam mà chưa có sự tham gia trực tiếp của Bộ Tài chính cũng như các cơ quan liên quan của Việt Nam trong việc nghiên cứu, vận hành mô hình này.
Tham dự khóa đào tạo có 30 đại điện của các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài chính như Vụ Ngân sách Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Sở Tài chính TP. Hà Nội, Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh…
Về phía các tổ chức tài chính quốc tế, bà Võ Hoàng Quyên – Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB cho rằng, trong chương trình hợp tác giữa WB và các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan từ trung ương tới địa phương của Việt Nam, trong đó có vai trò quan trọng của Bộ Tài chính cho thấy Việt Nam hết sức coi trọng vấn đề về quản lý nợ bền vững cho các quốc gia có khả năng vay vốn trên thị trường để phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo giám sát, quản lý nợ.
Bà Quyên khẳng định, trong 5 ngày, từ 24 tới 28/2/2020, các chuyên gia cao cấp của WB và IMF sẽ trực tiếp giảng dạy, chuyển tải những kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan từ trung ương tới địa phương của Việt Nam tại Khóa đào tạo về quản lý nợ bền vững cho các quốc gia có khả năng vay vốn trên thị trường để phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo giám sát, quản lý nợ.
Chương trình đào tạo tập trung vào các nội dung như: Tổng quan về khuôn khổ và phương pháp Phân tích bền vững nợ cho các quốc gia có khả năng vay vốn trên thị tường; Cấu trúc của công cụ DSA; Phân tích bền vững nợ cho Việt Nam…
Đồng thời, khóa đào tạo sẽ giúp học viên tiếp cận với phương pháp luận, khuôn khổ đánh giá và cách vận hành mô hình DSA của các chuyên gia kinh tế của các tổ chức tài chính quốc tế; Những bài học thực tiễn cũng như hàm ý chính sách cho các cơ quan của Việt Nam trong việc thực hiện chức năng lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện cũng như giám sát triển khai các kế hoạch vay, trả nợ công trung hạn để đảm bảo bền vững nợ…
“Thông qua khóa học, các bên sẽ không chỉ hình dung tổng thể về DSA mà còn có cơ hội thông qua đào tạo, trao đổi kỹ thuật và sát cánh phối hợp với nhau về công tác quản lý nợ bền vững trong năm 2020 là năm bản lề mang tính định hướng cho giai đoạn tiếp theo” – bà Võ Hoàng Quyên nhấn mạnh.
Theo D.Bùi (T/h)/tapchitaichinh.vn