Ủy ban Pháp luật cho biết, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định một số trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tuy nhiên trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thiếu trường hợp nên đề nghị rà soát để chỉnh lý, bảo đảm thống nhất với nội dung trong các dự thảo Luật.
Ngày 29/8, báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về các dự án nhà ở khác phải thu hồi đất, tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật theo hướng: lược bỏ các quy định về loại đất làm dự án nhà ở trong Luật Nhà ở để thực hiện theo Luật Đất đai.
Theo đó, tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể hiện thống nhất các chính sách đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; đối với dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; đối với nhà ở công vụ và nhà ở tái định cư; đối với dự án nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Về các trường hợp miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, để thu hút đầu tư đối với một số dự án nhà ở, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định một số trường hợp được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, Điều 157 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) còn thiếu trường hợp miễn tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Thường trực Ủy ban Pháp luật là cần rà soát dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để chỉnh lý, bảo đảm thống nhất với nội dung nêu trên trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm di dời người dân ra khỏi chung cư mất an toàn, có nguy cơ sập đổ; nghiên cứu cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để tránh trùng lặp, rút ngắn thời gian, tăng cường thu hút đầu tư.
Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung một mục (Mục 4 Chương V) gồm các điều 71, 72 và 73 quy định cụ thể về việc di dời chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư; cưỡng chế di dời và phá dỡ nhà chung cư và tại các điều khoản cụ thể khác của Chương V về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đồng thời, cải tiến trình tự, thủ tục đầu tư đối với dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư như thể hiện tại Điều 63 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Đồng thời, Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội và chỉnh lý các điều 68, 69 và 70 của dự thảo Luật theo hướng: đối với các chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994) thì tiếp tục kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành về việc áp dụng hệ số K bồi thường căn hộ.
Đối với các chung cư mới xây dựng sau năm 1994 mà thuộc diện được xây dựng lại do vẫn phù hợp với quy hoạch thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư và được nộp kinh phí này theo tiến độ thực hiện dự án hoặc sau khi bàn giao căn hộ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, nếu không đóng góp kinh phí xây dựng lại nhà chung cư thì được bồi thường quyền sử dụng đất, giá trị nhà ở còn lại (nếu có) theo quy định của Chính phủ.
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 3 Điều 78), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, vấn đề này còn có 2 loại ý kiến.
Ý kiến thứ nhất tán thành quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho công nhân thuê theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại văn bản số 7177/TLĐ-BQLDA.
Ý kiến thứ hai đề nghị không quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như nội dung Chính phủ trình. Đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín” để quy định trong Luật. Do đó, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng Đề án báo cáo Quốc hội xem xét cho thực hiện thí điểm chính sách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong một thời hạn nhất định, nếu phát huy hiệu quả mới quy định trong Luật.