Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo xây dựng thành công huyện nông thôn mới

Thọ Xuân – vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có truyền thống văn hiến, có bề dày lịch sử, văn hóa, giàu truyền thống cách mạng, là đất thang mộc của hai vương triều hiển hách (Tiền Lê và Hậu Lê) để lại những dấu son sáng chói trong lịch sử Việt Nam. Đất Thọ Xuân cũng là nơi sinh ra những vị anh hùng mở nước, giải phóng dân tộc, từ Lê Đại Hành Hoàng đế (Lê Hoàn) đến Thái tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi), Lê Thánh tông (Lê Tư Thành) – nhân vật lịch sử của mọi thời đại đã làm nên mảnh đất Thọ Xuân trở thành cái nôi linh thiêng của xứ Thanh, là địa danh được mọi người dân Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung biết đến với tiềm năng về nhiều loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch danh lam thắng cảnh.

Một góc thị trấn Thọ Xuân. Ảnh: Duy Nhã (Đài TT-TH huyện Thọ Xuân)

Phát huy bề dày truyền thống của quê hương; khắc sâu lời dạy của Bác “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, nhất là sau khi tiếp thu chủ trương của Đảng, Nhà nước, của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với ý chí, quyết tâm “đoàn kết, đổi mới, sáng tạo”, đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, đồng lòng với tinh thần, quyết tâm cao cùng cách làm năng động, sáng tạo đã tạo nên thành quả trong XDNTM. Diện mạo nông thôn mới huyện Thọ Xuân hôm nay đã từng ngày khởi sắc, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, ngày càng hoàn thiện; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. Ngày 24-9, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1238/QĐ-TTg công nhận huyện Thọ Xuân đạt chuẩn NTM năm 2019.

Những ngày đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, huyện Thọ Xuân gặp không ít khó khăn: Thời điểm triển khai xây dựng, huyện chỉ đạt bình quân 5,7 tiêu chí/xã. Là huyện trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của tỉnh, song sản xuất nông nghiệp vẫn còn phân tán, manh mún. Công nghiệp chế biến chưa phát triển, thị trường tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Ngành nghề nông thôn, dịch vụ chưa phát triển, lao động trình độ tay nghề thấp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức về quan điểm, mục tiêu XDNTM chưa đầy đủ, còn có tư tưởng ngại khó, trông chờ, ỷ lại; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa tập trung, quyết liệt… Tuy vậy, thấm nhuần quan điểm: XDNTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động rộng rãi các tầng lớp nhân dân, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia, trong đó, cấp ủy, chính quyền có vai trò kiến tạo và tổ chức thực hiện, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể, cấp ủy, chính quyền huyện Thọ Xuân đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chủ động, toàn diện, bài bản, có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đường giao thông liên thôn ở xã Xuân Hòa

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình đề ra, huyện Thọ Xuân đã thành lập ban chỉ đạo chương trình XDNTM; đồng thời rà soát thực trạng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó có cái nhìn tổng quan nhất để định hướng cho công tác xây dựng quy hoạch, lập đề án NTM. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thọ Xuân các khóa XXV và XXVI đều đưa Chương trình Phát triển nông nghiệp và XDNTM thành chương trình trọng tâm để lãnh đạo, chỉ đạo. Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND, ban chỉ đạo Chương trình XDNTM đã ban hành nhiều văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, như: Nghị quyết số 05-NQ/HU về XDNTM trên địa bàn huyện Thọ Xuân giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2025; Chương trình số 27-Ctr/HU về phát triển nông nghiệp toàn diện, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với XDNTM giai đoạn 2016 – 2020; Đề án số 103/ĐA-UBND của UBND huyện về xây dựng huyện Thọ Xuân đạt chuẩn XDNTM vào năm 2019; chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể trong XDNTM; các kế hoạch tập huấn kiến thức XDNTM; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhiều loại văn bản chỉ đạo khác. Từ đó tập trung chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và quyết liệt bằng nhiều chủ trương, giải pháp, biện pháp linh hoạt, sáng tạo, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong toàn huyện cùng nhau thực hiện phong trào “Chung sức XDNTM”; xác định người nông dân là chủ thể của XDNTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” và huy động hợp lý sức dân để lo cho dân. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện luôn bám sát cơ sở, tình hình thực tiễn và các chương trình, kế hoạch cụ thể của các tổ chức trong hệ thống chính trị, có sự phân công trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu một cách cụ thể, rõ ràng, không chồng chéo, trùng lắp; đồng thời, chú trọng việc ban hành cơ chế, chính sách kích cầu, tạo động lực để phát triển, qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích, kích cầu cho các xã tích cực đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng được lộ trình cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình XDNTM. Từ năm 2011 đến nay toàn huyện đã huy động trên 7.019,55 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 141,65 tỷ đồng, chiếm 2,02%; ngân sách tỉnh 185,8 tỷ đồng, chiếm 2,65%; ngân sách huyện 680,8 tỷ đồng, chiếm 9,7%; ngân sách xã 1.116,8 tỷ đồng, chiếm 15,91%; nhân dân tham gia (tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, vườn tạp…) 3.869,2 tỷ đồng, chiếm 55,12%… Từ nguồn vốn huy động, huyện đã đầu tư làm mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng 260,4 km đường trục xã, liên xã; 265,5km đường trục thôn, liên thôn; 474km đường ngõ xóm; 740,89 km kênh tưới các cấp; 47,7 km trục tiêu liên xã phục vụ tưới tiêu cho hơn 15.000 ha đất sản xuất nông nghiệp; đầu tư 242,6 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới 57 công trình trường học, mua sắm, bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học; xây mới và nâng cấp 290 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, 28 trụ sở xã, 22 trung tâm văn hóa, hội trường, 10 sân vận động…

 

Vùng sản xuất rau an toàn ở xã Thọ Hải

Thực hiện XDNTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ. Đến tháng 9-2019, cơ cấu giá trị sản xuất của nông – lâm – thủy sản chiếm 16,7% (giảm 13,8%), công nghiệp – xây dựng chiếm 50,2%, (tăng 6,6%) và dịch vụ thương mại chiếm 33,1% (tăng 7,2% so với năm 2011). Trong sản xuất nông nghiệp với trọng tâm là phát triển trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, trong đó đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế. Nổi bật phải kể đến vùng lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích đạt 400 ha, mỗi năm cho thu nhập tăng thêm 3,6 triệu đồng/ha; chuyển đổi 589,2 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây ngô, trồng sen nuôi cá tại 11 xã; có 9 mô hình nhà màng, nhà lưới nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau, củ, hoa, quả hữu cơ kết hợp với tưới nước tiết kiệm với diện tích 65.000m2, lợi nhuận trên 800 triệu đồng/ha/năm; 216,9 ha tập trung cây ăn quả có múi với giá trị thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha/năm và nhiều mô hình cây trồng có giá trị cao khác ở các xã khác mang lại thu nhập bình quân từ 300-400 triệu đồng/ha/năm; toàn huyện có 105 trang trại, gia trại với tổng diện tích 283,5 ha. Đến nay, tổng vốn đầu tư của các trang trại, gia trại là 121,985 tỷ đồng, tổng giá trị sản phẩm hàng hóa đạt 184,11 tỷ đồng.

Nuôi gà tại Công ty CP Nông sản Phú Gia

Đối với lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – xây dựng được huyện xác định là ngành kinh tế quan trọng, chủ đạo với tốc độ tăng trưởng cao (bình quân hàng năm tăng 17,1%), đóng góp lớn cho ngân sách, chiếm tỷ trọng giá trị 50,1% trong cơ cấu kinh tế của huyện năm 2018, tương ứng với tổng giá trị sản xuất là 8.197,7 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2011; năm 2019, ước chiếm tỷ trọng 50,2%, tổng giá trị sản xuất tương ứng đạt 9.588,5 tỷ đồng. Đến tháng 9-2019, toàn huyện có 608 doanh nghiệp, chủ yếu quy mô vừa hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp, tạo việc làm cho trên 7.200 lao động; 4 cụm công nghiệp được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 80,2 ha…

Chăm sóc sức khỏe tại Trậm y tế xã Quảng Phú

Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế phát triển toàn diện với 36/36 xã đã được công nhận danh hiệu văn hóa theo quy định; 239/239 thôn được công nhận danh hiệu thôn văn hóa; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 87%; 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học, THCS mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2 năm 2016; 100% số xã đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế tính đến 30-9-2019, toàn huyện đạt 91,67%. Công tác bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm dần đi vào nền nếp, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh ở 36 xã đạt 99,7%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch là 43.849/49.576 hộ; 100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm… Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, bản sắc văn hóa quê hương, tình làng, nghĩa xóm và các hoạt động từ thiện, nhân đạo tiếp tục được giữ gìn, phát huy. Hệ thống chính trị, bộ máy chính quyền các cấp được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng chất lượng, hiệu quả góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM.

Có thể khẳng định, những kết quả nổi bật đạt được sau 10 năm thực hiện Chương trình XDNTM đã làm cho bộ mặt nông thôn Thọ Xuân ngày càng khởi sắc. Điều đó được minh chứng cụ thể ở việc đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao khi thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2019 ước đạt 41,5 triệu đồng (gấp 3,1 lần so với năm 2011). Công tác giảm nghèo đạt kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 18,53% (năm 2011) xuống còn 2,42%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011-2019 ước đạt 15%, tăng 0,9% so với giai đoạn 2005-2010.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân tự tin với những thành quả đã gặt hái được. Toàn huyện có 36/36 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện. Mỗi địa phương đã xây dựng lộ trình, lựa chọn những giải pháp phù hợp với thực tiễn để thực hiện chương trình một cách hiệu quả nhất. Trong hành trình ấy, bài học đầu tiên cũng là bài học tiên quyết được vận dụng đó là phát huy sức mạnh của sự đoàn kết, nhất là sự đồng thuận, sự vào cuộc quyết liệt của nhân dân. Đây cũng chính là nhân tố quan trọng để huyện Thọ Xuân có được diện mạo NTM như hôm nay.

Xác định XDNTM là việc làm thường xuyên, liên tục, chiến lược, lâu dài, bởi giá trị cốt lõi của nó chính là nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, thực sự khơi dậy được nội lực và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đưa mỗi vùng nông thôn trở thành những vùng đất thanh bình, phát triển, trong hành trình cho giai đoạn tiếp theo huyện Thọ Xuân đã có định hướng cụ thể. Theo kế hoạch, dự kiến giai đoạn 2021-2025, huyện Thọ Xuân phấn đấu số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 36/36 xã; số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 7 xã. Thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2025 đạt trên 70 triệu đồng; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch đạt 90%. Mục tiêu dự kiến giai đoạn 2026-2030, huyện Thọ Xuân phấn đấu 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến năm 2030 đạt khoảng 100 triệu đồng. Xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy vậy, đây đều là những mục tiêu, định hướng lâu dài, còn trước mắt, trong những tháng còn lại của năm 2019 và năm 2020, toàn huyện ra sức phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu còn lại của chương trình giai đoạn 2010-2020. Phấn đấu có thêm 5 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu với mức thu nhập bình quân đạt 46 triệu đồng/người/năm.

Nguyễn Văn Hùng

Tỉnh Ủy Viên, Bí Thư Huyện Ủy Thọ Xuân

Nguồn : http://thoxuan.thanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/xd-nong-thon-moi/doan-ket-doi-moi-sang-tao-xay-dung-thanh-cong-huyen-nong-thon-moi.html

Trả lời